Tiếng Việt | English

24/01/2018 - 14:56

Đổi thay ở các xã biên giới

Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành hữu quan, diện mạo các xã biên giới ngày càng khởi sắc, đời sống người dân vùng biên từng bước được nâng lên. Rõ nhất là những con đường được nâng cấp, mở rộng, trải nhựa, đá, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng,... tạo bộ mặt mới cho vùng biên.

Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã biên giới Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt ở một vùng quê. “Diện mạo nông thôn quê hương mình thay đổi, khởi sắc từng ngày, các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư, nhất là hệ thống kênh, mương nội đồng được xây dựng, nạo vét, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, sản xuất hiệu quả, đời sống người dân ngày một nâng lên” - ông Trần Thanh Phong, ngụ ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, phấn khởi nói.

Trường lớp được xây dựng khang trang

Trường lớp được xây dựng khang trang

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Tây - Nguyễn Văn Thanh cho biết, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Cụ thể, năm 2017, xã được đầu tư hơn 150 tỉ đồng thi công mới, nâng cấp hàng chục công trình về giao thông, y tế, điện, nạo vét kênh, mương nội đồng,...

Với nguồn vốn 135 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, tuyến đường 838B dẫn về trung tâm xã ngày nào “nắng bụi, mưa lầy”, được láng nhựa vào tháng 11/2017. Rồi đây, khi con đường hoàn thành, giao thương, đi lại thuận tiện góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Ông Trương Đình Hưng, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây, vui mừng: “Trước đây, tuyến đường này là đường đá đỏ, nhỏ, hẹp, mùa mưa đi lại rất khó khăn. Con đường hoàn thành, uớc mơ của bà con bấy lâu nay thành hiện thực”.

Ngược về các xã biên giới của các huyện: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, dọc theo 2 bên đường những cánh đồng lúa bạt ngàn, những căn nhà ngói đỏ, mái tole mọc lên ngày càng nhiều, giao thông nông thôn đi lại dễ dàng. Hệ thống trường lớp, nhà văn hóa, trạm y tế đều được xây dựng khang trang.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Lê Nhựt Trường chia sẻ: “Từ nhiều nguồn vốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, xã có hơn 80% đường giao thông liên ấp được bêtông hóa, cứng hóa, các tuyến đường ngõ, xóm cũng được đầu tư xây dựng sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa. Điển hình như tuyến lộ cặp tuyến kênh Cây Khô Nhỏ (đoạn từ Đường tỉnh 817 đến kênh 61) có chiều dài 4,5km, rộng 3m được đầu tư xây dựng với số vốn gần 13 tỉ đồng, đưa vào sử dụng năm 2017. Từ khi có con lộ, người dân trong khu vực rất vui mừng”.

Ông Lâm Văn Toàn - người dân ấp Bình Tây 2, phấn khởi: “Trước đây, khi con lộ này chưa hình thành, người dân đi lại rất khó khăn, chủ yếu đi bộ, nhưng từ khi xây dựng hoàn thành con đường thì việc đi lại dễ dàng, xe qua lại đông đúc, các em học sinh đi học thuận tiện hơn”.

Nhiều căn nhà mới được mọc lên

Nhiều căn nhà mới được mọc lên

Năm 2017, xã Bình Hòa Tây còn được tỉnh, huyện đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng gần 30 công trình: Cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế,... Đến nay, xã có đường ôtô về đến trung tâm, các tuyến đường liên ấp cơ bản hoàn thành phần nền và được trải sỏi đỏ, tạo thuận lợi cho giao thông đi lại và giao lưu hàng hóa của người dân. Trường, lớp được đầu tư khang trang, trên 99,6% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, 95% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh,... có được diện mạo trên là nhờ nguồn lực rất lớn là từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân.

Nâng cao đời sống người dân

Song song với việc được đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, công tác chăm lo đời sống cho người dân vùng biên cũng được chú trọng. Các xã biên giới thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hộ nghèo có thu nhập ổn định,...

Thời gian qua, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, con giống, phương tiện, dụng cụ sản xuất được chính quyền xã Mỹ Thạnh Tây quan tâm nhằm thay đổi tập quán sản xuất; nhờ đó, năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên. Những hộ dân được hỗ trợ đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Bà Huỳnh Thị Sạn, ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây - một trong những người được hỗ trợ tiền mua bò giống, cho biết: “Gia đình tôi là hộ nghèo. Năm 2017, được hỗ trợ 9,8 triệu đồng nuôi bò, tôi rất mừng và cố gắng chăm sóc bò, hiện bò cái đẻ được 1 con bê”.

Điểm nhấn trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đoạn qua tỉnh Long An là việc thông thương Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường - Trương Văn Thanh cho biết: “Với việc nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế khu vực biên giới nói chung, xã Bình Hiệp nói riêng, lưu lượng người qua lại trao đổi, buôn bán ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp được quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và trong khu vực. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện để người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội phát triển trồng trọt, chăn nuôi và quan tâm đến sản xuất, ổn định cuộc sống của gia đình chính sách, hộ nghèo”.

Bà Huỳnh Thị Sạn được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế

Bà Huỳnh Thị Sạn được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế

“Xác định nông nghiệp là ngành chính, xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao lửng, xây dựng trạm bơm điện, đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh trồng lúa, nông dân còn mở rộng diện tích rau màu, hàng năm, xã có hơn 400ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Cùng với trồng trọt, xã còn quan tâm đến chăn nuôi, hiện tổng đàn heo của xã gần 800con; trâu, bò hơn 1.500 con, gia cầm gần 30.000 con” - Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Bùi Văn Hiệu cho biết.

Từ các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH phù hợp với thực tế địa phương, giúp diện mạo nông thôn các xã biên giới thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Đây chính là tiền đề quan trọng để các xã biên giới tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo./.

Từ các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH phù hợp với thực tế địa phương, giúp diện mạo nông thôn các xã biên giới thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Đây chính là tiền đề quan trọng để các xã biên giới tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo”.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết