Tiếng Việt | English

31/08/2018 - 11:06

Đổi thay trên những vùng đất cách mạng

Xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ và xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là những địa phương anh hùng trong thời chiến. Hòa bình lập lại, vùng kháng chiến xưa dần “thay da, đổi thịt”, trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua lao động, sản xuất.

Những công trình, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, những con đường giao thông nông thôn được bêtông, nhựa hóa,... bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét

Những công trình được đầu tư xây dựng khang trang, những con đường giao thông nông thôn được bêtông, nhựa hóa,... bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét

Những mốc son vùng kháng chiến cũ

Trong kháng chiến, Quê Mỹ Thạnh là căn cứ địa cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân Quê Mỹ Thạnh vùng lên, đánh giặc bằng 3 mũi giáp công.

Năm 1960, xã chỉ có vài du kích, đến năm 1963, phát triển thành một trung đội, chủ động đánh giặc lấy vũ khí trang bị. Đội du kích xã thường xuyên phối hợp các lực lượng tổ chức hàng trăm trận đánh, gây thiệt hại nặng nề cho địch, trong đó phải kể đến trận kết hợp binh vận 2 lần lấy bót Cai Tài, 2 lần lấy tua Mỹ Bình, thu 47 súng các loại; hay trận phối hợp du kích xã Lạc Tấn, bộ đội tỉnh, huyện 3 lần đánh chiếm đồn Lạc Tấn, tạo được tiếng vang lớn. Theo nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quê Mỹ Thạnh - Dương Ngọc Nhứt, tháng 4/1967, trong trận đánh Mỹ tại ấp Xóm Mới (nay là ấp 4), lực lượng ta gồm du kích xã, bộ đội huyện bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắn cháy 1 xe thiết giáp và diệt nhiều tên lính Mỹ.  

Về xã Long Định, huyện Cần Đước, ký ức hào hùng của những năm tháng chiến đấu với quân thù vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của các cụ cao niên. Bà Võ Kim Hoa (83 tuổi), nhớ lại: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào ở xã Long Định phát triển mạnh. Nơi đây là địa bàn bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cuối năm 1968, Mỹ - ngụy thực hiện “bình định nông thôn” ở các vùng ven Sài Gòn. Long Định bị Mỹ - ngụy dùng chất khai hoang hủy diệt nhằm phá vỡ vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc của ta. Giữa tháng 4/1975, lính ngụy thuộc Sư đoàn 22 bị đánh bại ở miền Trung, rút về khu vực Bến Lức, Gò Đen, chúng nhiều lần tổ chức càn quét vào xã. Du kích xã kết hợp bộ đội vừa vây ép bọn lính ngụy trong đồn Long Định, Long Kim, vừa tổ chức đánh địch, buộc chúng phải rút ra Bến Lức cố thủ.

Diện mạo mới của vùng đất anh hùng

Về thăm Quê Mỹ Thạnh hôm nay, đi trên những con đường bêtông rộng rãi, chúng ta cảm nhận rất rõ vùng kháng chiến xưa giờ đã “thay da, đổi thịt”. Đường giao thông nông thôn được mở rộng, các công trình thủy lợi, trường học được đầu tư. Bí thư Đảng ủy xã - Tạ Thành Bản cho biết: “Trước đây, kết cấu hạ tầng còn yếu nhưng với sự nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền địa phương, Quê Mỹ Thạnh từng bước vươn lên”. Xã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Quê Mỹ Thạnh đang thực hiện 20ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, năng suất tăng thêm 1 tấn/ha/vụ. Mô hình trồng rau màu và nuôi heo theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Long Định

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Long Định

Sau chiến tranh, Long Định chuyển mình vươn lên. Từ một xã nghèo, địa phương phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, giao thông được mở rộng, tạo điều kiện trong đi lại, lưu thông hàng hóa. Đến nay, Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng lấp đầy 90%, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chủ tịch UBND xã Long Định - Lê Ngọc Danh chia sẻ, tuy tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhưng xã vẫn phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nhất là đầu tư về giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường.

Chiến tranh lùi xa, những vùng đất anh hùng ngày trước đang tập trung phát triển KT-XH, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên./.

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết