Tiếng Việt | English

26/09/2017 - 02:50

Đổi thay từ những đô thị

Việc phát triển đô thị thời gian qua được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng thực hiện. Nhiều công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng, qua đó, tạo diện mạo mới cho đô thị.

Diện mạo mới

Các đô thị trong tỉnh có bước chuyển mình so với trước đây, thành phố, thị xã được xây dựng và nâng cấp trở thành các trung tâm thương mại, dịch vụ của địa phương. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư thu hút nhiều lao động. Hàng năm, các địa phương tập trung chỉnh trang đô thị. Nhiều công trình phúc lợi: Công viên, bệnh viện, trường học,... được đầu tư.

Sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Hóa để thành lập thị xã Kiến Tường vào năm 2013, thị xã từng bước khắc phục khó khăn, tập trung nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm: Khu trung tâm thương mại, bờ kè, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, đường giao thông trên địa bàn,... tạo diện mạo mới cho địa phương.

Một góc đô thị loại IV - thị xã Kiến Tường

Ông Ngô Hữu Quyền, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Kiến Tường giờ thay đổi nhiều. Nhiều công trình được xây dựng tạo bộ mặt đô thị khang trang. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện”.

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ thông tin: “Thị xã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, giữ vững xã, phường văn hóa, văn minh; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với phát triển đô thị; hạ tầng trên địa bàn ngày càng được hoàn thiện; KT-XH ngày càng phát triển”.

Phấn đấu đến năm 2020, thị xã Kiến Tường đạt đô thị loại III. Đến cuối tháng 8/2017, thị xã cơ bản đạt 50/59 tiêu chí, tỷ lệ 84,7%. Khó khăn lớn nhất hiện nay là những tiêu chí liên quan đến dân số (tỷ lệ tăng dân số hàng năm, dân số toàn đô thị, dân số nội thị, mật độ dân số toàn đô thị). Thị xã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu - ông Vũ thông tin thêm.

Tại huyện Bến Lức, diện mạo đô thị thay đổi rõ nét. Nhiều tuyến đường xanh, sạch được hình thành. Ý thức của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan được nâng lên. Khu dân cư, trường học, thương mại - dịch vụ được đầu tư, phát triển. Bà Nguyễn Thị Huyền, ngụ khu phố 1, thị trấn Bến Lức, cho biết: “Bây giờ, thị trấn thay đổi nhiều lắm! Đường giao thông được mở rộng, khu dân cư đông đúc, thương mại - dịch vụ phát triển. Diện mạo địa phương thay đổi rõ rệt, cuộc sống người dân ngày càng ổn định”.

Hướng đến đô thị văn minh

Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi, từ khi thị trấn Bến Lức được công nhận đô thị loại IV (năm 2010), Ðảng bộ, chính quyền và người dân phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện tập trung phát triển bền vững các tiêu chí đạt thấp; chỉnh trang khu vực thị trấn theo hướng văn minh, giữ gìn và tôn tạo các công trình văn hóa, hình thành các khu trung tâm văn hóa - thông tin, chỉnh trang đường Nguyễn Hữu Thọ, cổng chào thị trấn, khu dân cư,... tạo điểm nhấn hài hòa với không gian đô thị. Tổng số vốn đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị từ năm 2010 đến tháng 8/2017 gần 1.600 tỉ đồng.

Cổng chào thị trấn Bến Lức được xây dựng khang trang

Tuy nhiên, phát triển đô thị trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn nhất định: Quy hoạch thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; tiến độ lấp đầy khu dân cư còn chậm.
Trước thực trạng trên, huyện đưa ra các giải pháp cụ thể, nhất là việc tiếp tục huy động mọi nguồn lực củng cố, nâng chất các tiêu chí của đô thị loại IV, phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020. Đồng thời, huyện cố gắng đạt kế hoạch khu vực Gò Đen, Lương Hòa được công nhận đô thị loại V vào năm 2020 - ông Tươi cho biết thêm.

Với mục tiêu đưa TP.Tân An xứng tầm trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, đạt đô thị loại II trước năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố đang nỗ lực, phấn đấu. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng giá trị sản xuất của các ngành chủ yếu luôn duy trì ở mức cao, đạt trung bình hàng năm trên 11,4%. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai xây dựng, phát triển quản lý đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị, chuẩn đô thị kiểu mẫu.

Công tác vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông được chú trọng và bảo đảm. Từ đó, bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới, chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng lên, nông thôn thay đổi theo hướng đô thị hóa.

Một góc đô thị loại III - TP.Tân An

Bí thư Thành ủy Tân An - Trần Kim Lân thông tin: “Hiện nay, thành phố còn 11 tiêu chí chưa đạt đô thị loại II do nguồn vốn thực hiện khá lớn. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố tập trung các giải pháp trước mắt, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chung tay xây dựng; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng; tạo cơ chế thông thoáng, tinh giản các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư; chú trọng an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị tỉnh bố trí thêm vốn ngoài nguồn vốn hỗ trợ thường xuyên để địa phương đầu tư xây dựng và phát triển,...”.

Từ những định hướng và lựa chọn hướng đi đúng đắn, đô thị trên địa bàn Long An sẽ có những bước đột phá nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, đưa tỉnh nhà thành tỉnh hạt nhân, đầu tàu trong vùng phát triển nông nghiệp sôi động Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết