Tiếng Việt | English

08/08/2018 - 20:36

Đổi thay vùng căn cứ cách mạng

Trước đây, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn. Còn bây giờ, vùng căn cứ cách mạng năm xưa có nhiều thay đổi nhờ sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của người dân địa phương.

Nơi ghi dấu những chiến công

Địa danh Xóm Trường, ấp 5, xã Long Sơn từng là căn cứ địa cách mạng. Ông Nguyễn Hoàng Khâm, ngụ ấp 5, cho biết: “Nơi đây từng ghi dấu những chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 16/3/1965, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 46, Sư đoàn 25 ngụy và Tiểu đoàn Biệt động quân từ miền Tây lên tiếp viện, chia thành nhiều mũi tấn công vào Xóm Trường nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và chiếm đóng vùng giải phóng. Trước tình hình đó, bộ đội địa phương huyện Cần Đước (C315) phối hợp du kích xã Long Sơn và các xã lân cận quyết liệt chống càn”.

Bia chiến thắng Xóm Trường góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lịch sử - văn hóa ở địa phương

Mặc dù vũ khí của ta không bằng của địch nhưng bộ đội C135 và lực lượng du kích vẫn bám trụ địa bàn, đánh lùi 3 đợt tấn công càn quét lớn của địch, diệt gần 100 tên, thu 50 khẩu súng, bắn rơi 1 máy bay ném bom. “Chiến thắng Xóm Trường là niềm tự hào, để lại nhiều bài học quý giá về tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng” - Trưởng ấp 5 - Nguyễn Thị Việt Anh khẳng định.

Chiến thắng Xóm Trường góp phần giữ vững căn cứ cách mạng phía Nam của tỉnh, đưa khí thế phong trào cách mạng lên cao và là một trong những đòn quyết định đánh bại kế hoạch “bình định có trọng điểm của Mỹ - ngụy” trên địa bàn huyện Cần Đước. Ngày 19/7/2004, UBND tỉnh ra quyết định số 2423/QĐ-UBND công nhận địa điểm diễn ra trận đánh Xóm Trường là di tích cấp tỉnh. Hiện, di tích được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng

Quê hương đổi mới

Long Sơn hôm nay có nhiều đổi mới! Những tuyến đường giao thông nông thôn được bêtông hóa và tráng nhựa khang trang. Vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn ngày nào giờ là những cánh đồng lúa, rau màu xanh tốt, góp phần mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng/người/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Long Sơn - Đỗ Thanh Sơn, tuy điều kiện KT-XH của địa phương còn nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy tốt nội lực, thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Bên cạnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, Đảng ủy và chính quyền địa phương còn quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm hộ nghèo còn 1,6%. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đến nay, 85% tuyến đường trục xã được nhựa hóa, bêtông hóa; 100% hộ dân có điện sử dụng; 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh;... Xã hiện đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới.

Đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, đời sống của người dân Long Sơn không ngừng được nâng lên

“Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019, Đảng ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp; chú trọng đầu tư đường giao thông nông thôn; củng cố, nâng cấp hệ thống kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn về khoa học - kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp; mở các lớp đào tạo nghề và định hướng cho người dân cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân,...” - Chủ tịch UBND xã Long Sơn - Đỗ Thanh Sơn cho biết thêm./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết