Tiếng Việt | English

01/08/2015 - 09:11

Đối thủ mới của truyền hình - các kênh Youtube Việt?

Ngày nay, để giải trí, người ta có thể lên Youtube tải về hàng loạt chương trình từ âm nhạc, phim ngắn, clip hài, xem tin tức, cho đến xem ca nhạc, thể thao trực tuyến… Sự bùng nổ các kênh Youtube Việt với tỉ lệ người xem đáng mơ ước - vài trăm triệu lượt người xem, theo dõi thường xuyên đã nhanh chóng tạo ra đối thủ mới của các nhà đài, dù không được thừa nhận. Để đạt được điều đó, các kênh Youtube Việt đã thoát ra khỏi những công thức thông thường của truyền hình, đưa thông tin giải trí nhanh, gọn đến mức có thể, pha tính hài hước, nhẹ nhàng, nên được giới trẻ yêu thích.

 

Lễ trao giải POPS Awards được trực tiếp trên mạng

Bùng nổ kênh Youtube Việt

Các kênh giải trí được yêu thích trên Youtube có Yeah1TV với 422 triệu lượt xem và 1,1 triệu người theo dõi. Tiếp đó là DAMtv- những video clip dưới dạng parody MV, phim ngắn, clip phóng sự… của họ đã thu hút 94 triệu lượt xem. Đình đám hơn có BB&BG Entertainment - kênh sản xuất phim ngắn hài hước mang tính giải trí với 185 triệu lượt xem. Dù sinh sau đẻ muộn, những kênh như FAP (tham gia năm 2014) cũng đã gây chú ý của 14 triệu lượt người xem, hay RapNews đọc tin bằng rap với 4,2 triệu lượt. Ngoài ra còn có kênh của các blogger nổi tiếng, như JVevermind với 101 triệu lượt xem, HuyMeProductions - 19 triệu lượt.

Vài năm trước đây, chỉ mới có những nhóm sản xuất nội dung đi đầu để thỏa mãn đam mê như BB&BG hay DAMtv. Tuy nhiên, cách làm vẫn phụ thuộc vào cảm hứng và ý tưởng bất chợt. Thời gian gần đây, cộng đồng Youtube Việt Nam đã cho thấy những thay đổi rất lớn về lượng lẫn về chất, được hỗ trợ nhiều từ khâu quảng bá trước, trong và sau khi ra mắt, đầu tư nội dung tốt hơn và nhắm tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Một số kênh Youtube tiêu biểu cho thế hệ mới như FAPtv với các clip hài vui vẻ, đơn giản nhưng gần gũi, MOWO với những bộ phim theo phong cách Hàn - Nhật làm điên đảo cộng đồng teen và kênh Ghiền Mì Gõ với phong cách làm phim bằng các tiểu phẩm hài ngắn kết hợp cùng các hot girl, ngay trong tuần đầu tiên ra mắt đã có hơn 1 triệu lượt xem.

Công thức nhanh, gọn, trực tiếp

Sự thành công của Ghiền Mì Gõ hay FAPtv là ví dụ điển hình cho việc sản xuất nội dung trong thời điểm hiện tại: Clip ngắn, nội dung dễ hiểu, nhiều gương mặt quen thuộc và vui vẻ. Không chỉ thế, hiện nay, nhiều kênh trực tiếp các trận bóng đá hoặc buổi giới thiệu album của các ca sĩ đã thu hút người xem.

Ngày 15/8, ca sĩ Sơn Tùng sẽ ra mắt MV mới “Âm thầm bên em” bằng hình thức truyền trực tiếp trên youtube với công nghệ live streaming. Nhiều người cho rằng, đây là bước mở đầu trào lưu giới thiệu album trực tuyến. Live streaming - truyền hình trực tiếp trên internet từng được Công ty POPS Worldwide áp dụng cho nhiều sô diễn như đêm trao giải POPS Award 2014, chương trình thời trang Elle Show 2014, lễ trao giải Làn sóng xanh 2013, chương trình giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ nổi tiếng… Lần này, Sơn Tùng sẽ không tung MV mới của mình trên các trang mạng như thường lệ, mà sẽ mời 50 khán giả hâm mộ đến một studio để thực hiện buổi ra mắt như một hình thức minishow và truyền dẫn trực tiếp qua kênh cá nhân của anh trên Youtube.

Không giống như truyền trực tiếp trên truyền hình chỉ dành cho khán giả trong nước và phải theo dõi qua ti vi, live streaming có thể truyền trực tiếp sự kiện đến khán giả toàn cầu thông qua mọi thiết bị có thể kết nối internet. Hình thức này có tính tương tác cao, khán giả có thể vừa xem vừa phản hồi ý kiến về chương trình.

Live streaming thật sự là một bước đột phá đối với truyền thông, vì không quá phức tạp như truyền hình truyền thống, chỉ cần đường truyền internet tại nơi tổ chức sự kiện đạt mức băng thông tối thiểu là 30 Mb/s và máy tính có cấu hình đủ mạnh (tối thiểu phải là Core i5, RAM 8GB và cổng HDMI). Sự cạnh tranh với các hình thức truyền dẫn truyền thống (truyền hình), rõ ràng là rất lớn.

Bùng nổ nhưng kiểm soát lại khó. Với các sô diễn trên truyền hình (nhất là truyền hình trực tiếp), chương trình luôn được kiểm duyệt từ kịch bản cho đến trang phục. Truyền hình trực tiếp trên YouTube thì ngược lại: Không cần phải xin phép, không có cơ quan nào duyệt kịch bản, trang phục…

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc truyền hình truyền thống nên cải tiến nhiều hơn. Mặc dù hiện tại, truyền hình vẫn đang chiếm thế thượng phong về công nghệ, được bảo hộ hợp pháp, nhưng nếu các chương trình trực tiếp kém hấp dẫn, thiếu tính tương tác và các chương trình giải trí bị tai tiếng quá nhiều, thì rất có thể, một lượng người xem rất lớn cũng quay lưng, kéo theo thị phần quảng cáo chạy sang túi người khác..../

MINH THI/Theo laodong.com.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích