Tiếng Việt | English

13/02/2020 - 14:28

Đơn sơ lễ hội giữa “bão dịch” Covid-19

Các lễ hội đầu năm luôn tập trung rất đông du khách đến cúng viếng và vui lễ. Năm nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đã khiến các lễ hội tạm ngừng. Không còn không khí rộn ràng, nhộn nhịp, mùa lễ hội năm nay đơn sơ, tiết kiệm và cũng có chút chạnh lòng.

Fanpage Lễ lội Làm Chay trên Facebook năm nay vắng hẳn những hình ảnh nhộn nhịp, rộn ràng. Admin chỉ cập nhật vài hình ảnh nhỏ. Cũng không thấy những bài chia sẻ, livestreams của các bạn trẻ về Lễ hội Làm Chay như các năm trước. Không khí lễ hội trong không gian ảo cũng chùn xuống hẳn vì lễ hội không tổ chức. Châu Thành vào ngày 15, 16 tháng Giêng vẫn không có gì thay đổi. Nhiều người nói với nhau: “Châu Thành năm nay không có cái tết thứ hai”.

Người dân đến cúng tại Lễ hội Làm Chay nhắc nhau đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên

Người dân đến cúng tại Lễ hội Làm Chay nhắc nhau đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên

Vắng "Cái Tết thứ hai"

Ngày chính của Lễ hội Làm Chay, đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) mở cửa, bàn thờ được trang hoàng với hoa và vật phẩm cúng. Người dân địa phương tín ngưỡng lui tới cúng viếng cùng tấm lòng thành, lễ vật. Cúng viếng xong, có người nán lại uống ly trà, có người từ giã ra về, sân đình thưa khách, các khu vực quanh đình vắng lặng, khu chợ trước đình vẫn buôn bán như ngày thường. 

Những năm trước, vào thời điểm tổ chức lễ hội, chợ ngừng bán nhường chỗ cho các hoạt động vui chơi của lễ hội. Các ngả đường quanh đình chật kín người. Xe buộc phải gửi từ xa, người đi bộ chen chân nhau trong các ngả đường dẫn đến đình, chùa, ghe đăng và khu vui chơi. Năm nay, lễ hội được nhìn thấy qua những mâm cúng dọc các ngả đường trên địa bàn huyện. Nếu có tổ chức lễ hội, người dân sẽ dựng “động” tại các khu vực đó chờ đoàn chiêu u đến. Năm nay, chỉ có bàn cúng thể hiện lòng thành hướng về lễ hội của người dân. 

Đến cúng tại Lễ hội Làm Chay vào ngày 16 tháng Giêng, bà Nguyễn Thị Hiển cùng những người bạn của mình nhắc nhau đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay khô. Nhiều năm nay, bà Hiển là thành viên quen thuộc của nhóm làm bếp vào mùa lễ hội. Từ mùng 10, bà cùng nhiều người dân khắp nơi trong huyện tụ hội về chuẩn bị cho lễ hội. Năm nay, lễ hội không tổ chức, bà và những người bạn của mình chỉ góp lễ dâng cúng rồi về. Bà chia sẻ: “Vì dịch bệnh phải như vậy thôi! Nếu tổ chức lễ hội rình rang, khách thập phương từ nhiều nơi đổ về thì rất nguy hiểm. Chúng tôi đến với lễ hội là vì tấm lòng thành”. Sắp xong lễ vật, bà Hiển nhanh chóng mang vào cúng rồi cùng những người khác rời lễ hội. 

Đến chiều ngày 16, Lễ hội Làm Chay kết thúc. Không có chiêu u, không trò chơi dân gian, không hát bội, không xô giàn nhận lộc,... Lễ hội Làm Chay năm nay đơn sơ, giản dị, là nơi người dân địa phương gửi gắm tấm lòng thành đến “đấng bề trên”, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu bình an cho gia đình và xã hội. Đình Tân Xuân vẫn trang nghiêm đứng đó. Lễ hội không ồn ào nhưng vẫn đầy đủ khói nhang và lòng thành kính. Dẫu biết rằng cảm giác thiếu vắng là không thể chối bỏ, nhưng người dân Châu Thành, khách thập phương ai cũng hiểu và chấp nhận như một lẽ tự nhiên.

Không thể vào trong, khách hành hương bày lễ vật, thắp nhang trước cổng Miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng rồi ra về

Không thể vào trong, khách hành hương bày lễ vật, thắp nhang trước cổng Miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng rồi ra về

“Quan trọng là tấm lòng”

Đó cũng là tâm trạng chung của người dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc và khách hành hương đến Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành năm nay. Đứng từ nhà mình nhìn qua, ông Nguyễn Hồng Phát - thành viên Ban Hội hương Miếu Bà Ngũ Hành, thấy từng đoàn khách đến, đứng tần ngần trước Miếu Bà rồi lại bỏ đi. Ông chép miệng: “Sáng giờ đông dữ lắm, người ta tới, đọc thông báo rồi đi. Miếu Bà sẽ khóa cửa đến hết ngày 22 tháng Giêng. Tôi là người giữ chìa khóa, thấy nhiều người đi từ xa đến cũng xót nhưng không thể làm khác được”.

Ông Phát làm trong Ban Hội hương Miếu Bà mấy mươi năm, đây là năm đầu tiên lễ hội không được tổ chức. Nỗi buồn tiếc ông giấu trong lòng vì dịch bệnh và sức khỏe mới là điều quan trọng. Ông cho biết, mỗi dịp vía Bà, có đến 50.000-60.000 khách hành hương đến. Với số lượng người đông đúc đó, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay là hết sức nguy hiểm. Ông tin rằng Bà sẽ hiểu cho người dân Long Thượng cũng như khách hành hương. Ông nói: “Không thể mở cửa cho bất cứ ai được. Lễ hội năm nay chỉ có Ban Hội hương cúng vào 12 giờ đêm chính lễ thôi. Còn khách hành hương đành lỗi hẹn một năm”. Nhiều người dân sống gần khu vực Miếu Bà Ngũ Hành tỏ ra đồng tình với việc không tổ chức lễ hội và khóa cửa Miếu Bà. Bởi, ai cũng hiểu mức độ nguy hiểm và sức lây lan của dịch bệnh, không thể chủ quan, lơ là được. 

Anh Đỗ Thanh Sơn cùng vài người bạn đi xe máy từ TP.HCM xuống với lễ vật dâng cúng Bà. Tuy nhiên, do không được vào, anh đành mượn chiếc bàn nhỏ, bày cúng bên ngoài cửa đình. Anh tin tấm lòng thành sẽ được Bà chứng giám. Khi được hỏi, anh cười: “Tôi thấy rất đồng tình, phải chấp hành các khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế để phòng ngừa dịch bệnh. Đến cúng lễ Vía Bà Ngũ Hành quan trọng là tấm lòng. Ai đến đây cũng cầu quốc thái dân an, bình an cho cộng đồng, làng xã, gia đình, bản thân nên dừng lễ hội để bảo đảm sức khỏe người dân thì tất nhiên phải chấp hành nghiêm rồi!”.

Tháng Giêng là tháng hội hè, riêng năm nay, lễ hội đều không tổ chức. Bao tín ngưỡng, niềm mong đợi đầu năm của người dân đành tạm gác lại để bảo vệ sức khỏe. Mỗi địa phương, từng lễ hội có cách thức khác nhau để vừa ngăn tụ tập đông người, vừa giữ được “hồn” lễ hội, chờ đến mùa sau!./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết