Tiếng Việt | English

16/07/2018 - 11:17

Đồng bằng sông Cửu Long: Khẩn trương phòng chống cúm A/H1N1

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp xuất hiện các ca bệnh tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống cúm A.

Từ đầu năm 2018 đến nay, ĐBSCL đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Trong đó, 1 ca tử vong tại Vĩnh Long, 1 ca tại Cà Mau và 2 ca tại Bến Tre. Nhiều tỉnh thành như Tiền Giang, Hậu Giang cũng xuất hiện các ca nhiễm cúm A/H1N1. Điều đáng lo ngại là khu vực ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, cũng chính là điều kiện để nguy cơ dịch cúm A bùng phát là rất lớn. 

Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết: Đối với trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại huyện Tam Bình, ngành y tế tỉnh đã phối hợp cùng trung tâm y tế huyện và y tế xã theo dõi, đo thân nhiệt những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Đến nay tình hình dịch cơ bản đã ổn, tuy nhiên tỉnh cũng đang quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục cảnh giác với dịch cúm, đồng thời vận động người dân nên đi tiêm ngừa phòng cúm. 

Ngay khi tiếp nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên, ngành y tế Cần Thơ cho biết đã có công văn khẩn đến các cơ sở y tế trực thuộc và công lập trên địa bàn triển khai công tác phòng chống cúm. Theo đó, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, đau họng…) tại cơ sở y tế và cộng đồng. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, nhằm điều tra xử lý kịp thời, triệt để ca bệnh đầu tiên, ngăn ngừa sự lây lan của dịch. Lập danh sách theo dõi chặt chẽ sức khỏe người tiếp xúc với bệnh nhân để xử trí kịp thời. Rà soát và chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phòng hộ, hóa chất, thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến. Phối hợp chặt chẽ với cơ sở điều trị để điều tra và lấy mẫu xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh. 

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: Cúm A/H1N1 thường diễn biến lành tính như sốt, ho, đau nhức,... trong 1 tuần sẽ khỏi. Tuy nhiên, lưu ý những người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh mãn tính (tiểu đường, béo phì, suy thận, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính,...) nếu mắc bệnh sẽ diễn biến nặng hơn. Các trường hợp này nên tiêm ngừa, ngoài ra những người có dấu hiệu nghi cúm nên đến những cơ sở y tế khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị. 

Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện tỉnh đang làm khẩn trương, quyết liệt công tác phòng dịch cúm A, bao gồm cúm A/H1N1. Ngay từ đầu tháng 4, tỉnh phát động chiến dịch phòng chống dịch, mỗi xã đều tổ chức tuyên truyền. Đến nay, hàng tuần đều có hệ thống báo cáo về tình hình dịch cúm từ cấp xã cho lãnh đạo sở y tế và ban chỉ đạo phòng, chống dịch.

Những điều cần biết về cúm A/H1N1

Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo 8 - 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.  Loại virus này sống đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22°C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0°C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào  tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A(H1N1) có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A H1N1 như: sốt trên 38°C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Mọi người cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Không tự ý sử dụng thuốc mà phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị./.

Tuấn Quang/sggp.org.vn

Chia sẻ bài viết