Tiếng Việt | English

04/04/2019 - 20:25

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Các cấp bộ Đoàn luôn xác định hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Từ những nguồn vốn nhỏ ban đầu, nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại thu nhập cao.

Khi người trẻ dám nghĩ, dám làm

Sau khi tìm hiểu qua Internet, tại một số trang trại chăn nuôi, năm 2013, anh Lê Hoài Hận (SN 1985, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) khởi nghiệp nuôi bồ câu Pháp tại nhà. Thời điểm đó, anh gom tất cả số tiền hơn 10 triệu đồng bản thân có được và qua tổ chức Đoàn, anh vay ngân hàng thêm 40 triệu đồng để làm chuồng nuôi. Khởi điểm từ 30 cặp bồ câu, đến nay, anh đầu tư trang trại nuôi 1.000 cặp bồ câu sinh sản. 

Anh Lê Hoài Hận đang nuôi 1.000 cặp bồ câu sinh sản, mỗi tháng, xuất bán khoảng 1.200 con bồ câu thương phẩm

Anh Lê Hoài Hận đang nuôi 1.000 cặp bồ câu sinh sản, mỗi tháng, xuất bán khoảng 1.200 con bồ câu thương phẩm

Theo anh Hận, bồ câu Pháp có khả năng sinh sản đều và cao, sau 4-5 tháng tuổi, con mái bắt đầu đẻ lứa đầu. Bồ câu con được khoảng 3 tuần tuổi có thể xuất bán. Thời gian qua, bình quân mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 1.200 con bồ câu thương phẩm với giá 55.000-65.000 đồng/con (nặng từ 0,5-0,8kg). Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh lãi khoảng 20-30 triệu đồng.

Hiện nay, chim bồ câu của gia đình anh chủ yếu được các thương lái thu mua về cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM. Anh Hận cho biết: “Bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn và đầu ra ổn định. Sắp tới, tôi sẽ thành lập công ty và mở rộng hệ thống chuồng trại, phát triển thêm quy mô nuôi bồ câu, trong đó có 4.000-5.000 cặp bồ câu sinh sản”. Mô hình khởi nghiệp nuôi bồ câu Pháp của anh Lê Hoài Hận đang được nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. 

Cũng có chung sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và quyết tâm làm giàu trên quê hương, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2010, anh Cao Phú Khánh (SN 1986), trở lại quê nhà xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa phát triển kinh tế. Để thực hiện ước mơ, anh nhiều lần đi tham quan, học tập từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế ở một số địa phương. Khi đã có được một số kiến thức, cộng với việc nghiên cứu thị trường, đến năm 2012, anh Khánh bắt đầu nuôi ếch. 

Do khó khăn về vốn nên ban đầu, anh vay mượn của người thân, ngân hàng được gần 20 triệu đồng đầu tư nuôi 1.000 con ếch. Sau gần 3 tháng nuôi, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 8 triệu đồng. Cũng từ đợt nuôi đầu tiên này, anh giữ lại 100 con ếch sinh sản để tiếp tục nhân giống. Ngoài nuôi ếch, năm 2013, anh Khánh còn mở rộng quy mô khi nuôi, lai tạo giống cá rô, cá trê. 

Anh Cao Phú Khánh có thu nhập cao từ mô hình nuôi ếch, cá rô và cá trê

Anh Cao Phú Khánh có thu nhập cao từ mô hình nuôi ếch, cá rô và cá trê

Vài năm gần đây, anh duy trì nuôi, ươm ếch, cá rô, cá trê trên diện tích 3ha; sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 1 tỉ đồng/năm.

“Ếch, cá rô, cá trê là loài rất dễ nuôi, quan trọng nhất là nguồn nước phải bảo đảm vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh” - anh Khánh chia sẻ. 

Mô hình của anh Khánh góp phần tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 6 thanh niên ở địa phương với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm mùa vụ cho 10 thanh niên khi thành lập đội kéo cá. Là người làm kinh tế nên anh Khánh rất hiểu tầm quan trọng của nguồn vốn. Những năm gần đây, anh cho 33 người ở xã vay 1,6 tỉ đồng để nuôi thủy sản, có những hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Năm 2017, anh Khánh còn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi thủy sản Long Thạnh. Đây là HTX thủy sản đầu tiên của huyện và có 7 thành viên với diện tích gần 20ha. Ngoài ra, HTX còn tạo dựng được 80 hộ trên địa bàn xã và địa phương lân cận nuôi cá, ếch. Tất cả hộ nuôi đều được anh Khánh cung cấp con giống

bảo đảm chất lượng, giá thành rẻ hơn thị trường và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Khi thu hoạch, HTX sẽ thu mua cá, ếch cho các hộ và cung ứng ra thị trường. Kể cả các thành viên trong HTX và 80 hộ thì mỗi tháng, HTX thu mua và bán ra thị trường khoảng 80 tấn ếch, cá rô, cá trê.

Đồng hành với thanh niên

Những năm qua, nhiều thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại địa phương. Một trong những thuận lợi của thanh niên là có sức khỏe, nhiệt huyết, sự sáng tạo và kiến thức. Tuy nhiên, thanh niên cũng có những hạn chế như chưa nhiều kinh nghiệm sản xuất, thiếu nguồn vốn. Câu hỏi làm sao, giúp gì để thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp luôn được đặt ra để tìm giải pháp thực hiện.

Trưởng ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn - Phạm Văn Hậu chia sẻ: “Phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp có từ nhiều năm qua, mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên. Trong đó, tổ chức Đoàn cũng có nhiều hoạt động điển hình như làm cầu nối hỗ trợ thanh niên học nghề, tư vấn việc làm và phát triển kinh tế tại địa phương”.

Năm 2018, các cấp bộ đoàn phối hợp và làm cầu nối để thanh niên vay vốn làm kinh tế với hơn 40 tỉ đồng, hỗ trợ 21 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho hơn 37.500 thanh, thiếu niên; giới thiệu việc làm cho hơn 2.180 thanh niên. Đến ngày 28-02-2019, Đoàn Thanh niên đang phụ trách quản lý vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 334 tỉ đồng với hơn 12.600 hộ vay (qua 13 chương trình cho vay). Song song đó, nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm do Trung ương Đoàn phân bổ quản lý hiện nay trên 885 triệu đồng. Qua đánh giá, các nguồn vốn cho vay này đều được thanh niên sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. 

Không chỉ làm cầu nối cho thanh niên vay vốn, các cấp bộ đoàn còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Việc này được tiến hành thông qua những buổi hội thảo, tập huấn, chuyến đi học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao trong, ngoài tỉnh,...

Qua phong trào lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, làm ăn hiệu quả. Trong đó, phải kể đến các mô hình: Đan giỏ ở huyện Cần Đước; nuôi bò sữa của anh Nguyễn Thanh Phong, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An; nuôi cá kết hợp trồng mai kiểng ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa; nuôi ếch kết hợp nuôi cá của anh Cao Phú Khánh xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa; nuôi gà kết hợp nuôi ếch của anh Võ Văn Ngân, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa; nuôi bồ câu Pháp của anh Lê Hoài Hận, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc;... Những mô hình này khẳng định khát vọng vươn lên của tuổi trẻ và góp phần phát triển KT-XH địa phương./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết