Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 19:50

Đồng Tháp Mười: No ấm những mùa vàng

Vốn là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng ngày nào, nay Đồng Tháp Mười (ĐTM), tỉnh Long An trở thành vựa lúa lớn, là vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Đất cằn “nở hoa”

Hơn 35 năm trước, ĐTM hoang vu, lau, sậy mọc um tùm, đất bị nhiễm phèn nặng. Từ chủ trương khai phá ĐTM, nhiều người tiến về đây làm đường, đào kênh với quyết tâm “chinh phục” vùng đất mới. “Thời đó, nếu trồng lúa không bị cháy nắng, chết vì phèn thì sản lượng cũng rất thấp, có khi bị chuột phá sạch” - ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, kể. 

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Trước sự khắc nghiệt của vùng đất, không ít người chùn chân, nhụt chí, quay về chốn cũ. Tuy nhiên, nhiều người quyết bám trụ, đào kênh dẫn nước xả phèn, đắp bờ bao khai phá đất hoang. Từ bàn tay, khối óc, sự quyết tâm, đoàn kết của con người, ĐTM không chỉ bị khuất phục mà còn được đánh thức tiềm năng. Nhiều năm qua, vùng này là vựa lúa lớn của tỉnh, sản xuất ăn chắc 2 vụ/năm với sản lượng chiếm hơn 2 triệu tấn trong số 2,8 triệu tấn/năm của tỉnh. 

Để khai thác tiềm năng vựa lúa ĐTM, từ nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm, đầu tư lớn cho thủy lợi. Đến đây, chúng tôi như bị choáng ngợp với những tuyến kênh trải dài xa tít như Phước Xuyên, 79, 12, 28, Rạch Tràm - Mỹ Bình, Bình Hiệp - Kênh 61; Bo Bo, Cái Cỏ - Long Khốt, Tân Thành - Lò Gạch, Hồng Ngự, Dương Văn Dương - Lagrange,... vẫn ngày ngày “miệt mài” tưới tiêu, rửa phèn, cung cấp phù sa cho những cánh đồng rộng lớn. Với hệ thống kênh trục chính dài hơn 400km; kênh cấp I dài khoảng 1.500km và kênh cấp II dài 1.200km, việc tưới tiêu, ngăn mặn, xả phèn cơ bản được đáp ứng.

Bên những dòng kênh, tiếng máy bơm điện hoạt động ngày đêm. Tuy mới phát triển mạnh vài năm qua nhưng đến nay, ĐTM có 169 trạm bơm điện phục vụ 25.380ha. Hầu hết trạm bơm điện do tư nhân, hợp tác xã đầu tư làm dịch vụ; giúp nông dân chủ động sản xuất, gieo sạ đúng lịch thời vụ, giảm chi phí sản xuất khoảng 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha so với bơm dầu.

Trạm bơm điện Hợp tác xã Gò Gòn, huyện Tân Hưng phục vụ tưới,  tiêu cho hàng trăm hécta lúa

Trạm bơm điện Hợp tác xã Gò Gòn, huyện Tân Hưng phục vụ tưới, tiêu cho hàng trăm hécta lúa

Trò chuyện cùng chúng tôi trên cánh đồng, những nông dân ĐTM vui mừng thông báo: ĐTM bây giờ còn là trung tâm cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi nhuận bình quân từ 25-30 triệu đồng/ha/năm, cây lúa làm đổi đời vùng đất khó ngày nào, nhiều gia đình trở nên giàu có. Ông Trần Văn Nguyên đưa cả gia đình từ miền Bắc vào xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng lập nghiệp, hiện nay có 12ha đất sản xuất lúa, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Gia đình ông thuộc diện hộ giàu của xã, có nhà “hoành tráng” nằm bên dòng sông Trăng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Các con ông cũng trưởng thành, kinh tế gia đình vững chắc. “Ở vùng ĐTM, có những người sở hữu vài chục hécta đất và tự đầu tư máy móc sản xuất; còn diện tích vài hécta nhiều vô số” - ông Nguyên cho biết. 

Gặt tiếp những mùa vàng

Những ngày cuối năm, ĐTM không có cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, ầm ĩ tiếng máy gặt đập, người mua - bán tìm nhau, bởi vụ Đông Xuân chưa vào mùa thu hoạch. Nhưng, trên những cánh đồng vẫn râm ran tiếng người nói, cười í ới lẫn tiếng máy bơm xập xình làm cho khung cảnh ĐTM trở nên vui nhộn. 

“Mấy năm trước, lũ nhỏ, người dân ĐTM buồn hiu vì ruộng không được bồi đắp phù sa, nguy cơ dịch bệnh bùng phát, chi phí đầu tư sản xuất tăng lên cả triệu đồng/vụ. Năm nay, nông dân hứng khởi vì nước lũ tràn đồng mang theo phù sa, cuốn trôi mầm bệnh, cỏ dại. Hy vọng, vụ này, mùa màng thuận lợi, nông dân trúng lớn!” - ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tin tưởng.

Trên cánh đồng các xã: Tân Tây, Thạnh An (Thạnh Hóa), Hưng Thạnh (Tân Hưng), Khánh Hưng (Vĩnh Hưng),... những chiếc máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy được các “hai lúa” vận hành, góp phần mang đến những mùa vàng.

Với máy cấy, mạ được bỏ lên băng dây chuyền, bộ tự động tự cấy, hàng thẳng tắp, cách nhau khoảng 25cm, trong 2 giờ có thể cấy 1ha lúa, tốn 5-6 lít dầu,... Cấy bằng máy, khoảng cách cây lúa đều, không phải giặm. Trong khi san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là công nghệ từ châu Âu và được các nước tiên tiến áp dụng vào sản xuất từ lâu thì với nông dân ĐTM còn rất mới mẻ. “Sử dụng công nghệ tia laser thì độ chênh mặt ruộng rất ít, ít bị lồi lõm. Mặt ruộng bằng phẳng sẽ giảm được nhiều chi phí sản xuất vì giảm được lượng giống, phân bón, tiết kiệm thời gian bơm nước,...” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, giải thích về công dụng của máy.

Ngoài ứng dụng công nghệ cao, nông dân còn quan tâm áp dụng quy trình canh tác “1 phải, 6 giảm”, giống đạt chuẩn cấp xác nhận, bón phân hữu cơ vi sinh, đầu ra của sản phẩm được bao tiêu,... Cứ như thế, những ngày này, câu chuyện ứng dụng công nghệ cao được những “hai lúa” chính hiệu ĐTM kể với sự kỳ vọng lớn.

Nạo vét kênh 28, đoạn qua huyện Vĩnh Hưng

Nạo vét kênh 28, đoạn qua huyện Vĩnh Hưng

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, từ năm 2016, ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa được triển khai thực hiện ở một số mô hình điểm. Đến năm 2017, có 2.100ha lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 673ha ứng dụng đồng bộ máy cấy, san phẳng bằng tia laser, sạ lúa và bón phân, phun thuốc bằng máy tự hành. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, dù chỉ là mô hình điểm nhưng đây là hướng sản xuất tất yếu, những diện tích điểm khi ứng dụng cho lợi nhuận cao hơn, từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ  so với bên ngoài. 

Tin rằng, dưới bàn tay lao động của những nông dân cần mẫn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, vựa lúa ĐTM không chỉ là những con số triệu tấn mà còn là thương hiệu có chất lượng. Càng phấn khởi khi gần đây, chương trình liên kết tiểu vùng ĐTM giữa 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp được ký kết, mở ra những kỳ vọng trong khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của vùng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Những mùa vàng bội thu tiếp tục đến với ĐTM, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết