Tiếng Việt | English

07/09/2016 - 09:43

Dự báo đỉnh lũ sẽ cao nhất vào giữa đầu tháng 10/2016

Để chuẩn bị tốt cho việc sản xuất vụ Thu Đông 2016, vụ mùa 2016-2017 thắng lợi, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Long An - Nguyễn Quang Ngọc về dự báo tình hình bão, lũ để nông dân chủ động ứng phó trong sản xuất.

PV: Tình hình thời tiết hiện nay và dự báo thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Ngọc: Hiện nay, trạng thái khí quyển-đại dương toàn cầu đang ở trạng thái trung tính (không ElNino, cũng không LaNina). Các quan trắc về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (NINO3.4) cho thấy, bề mặt đại dương liên tiếp lạnh đi kể từ những tháng cuối năm 2015. Từ đầu năm đến nay, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực NINO3.4 giảm nhanh và hiện đang ở mức -0,4oC vào thời điểm tuần cuối tháng 7/2016.

Tổng hợp các mô hình dự báo mới nhất cho thấy, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục giảm; xác suất xuất hiện hiện tượng LaNina trong các tháng mùa thu năm nay đạt mức 50-60% và nếu xảy ra sẽ có cường độ trung bình tới yếu. Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016 là khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm và mưa lũ xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm.

Các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (khoảng 12-13 cơn/năm); trong đó, sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng cuối năm, tập trung hơn trên khu vực giữa và Nam biển Đông và các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào phía Nam.

Riêng trên địa bàn tỉnh, tổng lượng mưa các tháng cuối mùa tháng 9, 10, 11, 12 có khả năng xấp xỉ cao hơn trung bình nhiều năm và cùng thời kỳ. Thời gian kết thúc mùa mưa đến muộn hơn nhiều năm khoảng trung bình cuối tháng 11 và một số nơi trong tỉnh đầu tháng 12. Người dân cần đề phòng giông mạnh kèo theo gió, lốc xoáy,...


Đỉnh lũ cao nhất sẽ xuất hiện vào giữa đầu tháng 10/2016

Khu vực Long An trong tuần đầu tháng 9

Về khí tượng, chịu ảnh hưởng rìa phía Nam của rãnh áp thấp có trục khoảng 20-26 độ vĩ Bắc, với gió mùa Tây Nam hoạt động phổ biến có cường độ trung bình. Trên cao áp cao cận nhiệt đới có xu hướng lấn về phía Tây mạnh. Thời tiết, mây thay đổi, lượng mưa giảm vào đầu và cuối tuần. Vào giữa tuần, trời nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Ngày trời nắng gián đoạn.

Về thủy văn, các huyện vùng hạ, mực nước các nơi dao động theo triều, kỳ nước cao nhất và thấp nhất xuất hiện vào những ngày đầu tuần; các huyện vùng thượng, mực nước các nơi ảnh hưởng lũ, mực nước lũ lên nhanh vào những ngày đầu tuần, sau đó lên chậm đến cuối tuần, kỳ nước cao nhất xuất hiện vào những ngày cuối tuần. Tại Mộc Hóa: Hmax=0,93m; tại Tân Hưng: Hmax=1,55m; tại Vĩnh Hưng: Hmax=1,35m.

PV: Với tình hình thời tiết như trên, ông đánh giá thế nào về tình hình lũ năm nay?

Ông Nguyễn Quang Ngọc: Về tình hình lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước cao nhất ở thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào giữa đầu tháng 10 và ở xấp xỉ mức thấp hơn mức báo động 1 (tại Tân Châu là 3m50, Châu Đốc 3m) cao hơn 2015 và xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Từ nay đến cuối năm 2016, vùng hạ lưu sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường mạnh. Riêng vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh Long An, do lũ Đồng bằng sông Cửu Long thấp nên lượng nước về Đồng Tháp Mười không nhiều. Mực nước đỉnh lũ 2016 tại các trạm đầu nguồn ở mức xấp xỉ báo động 1 và cao hơn đỉnh lũ 2015 từ 10-15cm. Cụ thể, tại Tân Hưng ở mức xấp xỉ 1m60 -1m70; tại Vĩnh Hưng 1m50-1m60; tại Mộc Hóa, trên sông Vàm Cỏ Tây đạt 1m10-1m20. Thời gian xuất hiện lũ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười vào giữa đầu tháng 10.

Vùng hạ lưu 2 sông Vàm Cỏ, tại TP.Tân An và các huyện vùng hạ ven sông có những đợt triều cường mạnh vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11, đầu tháng 12-2016. Đỉnh triều cường cao nhất năm xuất hiện vào giữa và cuối tháng 10 ở mức 1m50 và 1m55, xấp xỉ hơn báo động 3 từ 5-10cm, gây ngập theo chiều hai bên vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác.

PV: Trước tình hình thời tiết diễn biến như thế, ông có thể cho biết, thời gian tới, nông dân cần chú ý những gì để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả?

Ông Nguyễn Quang Ngọc: Năm nay, dự báo với lượng nước lũ thấp nên mùa khô 2016-2017 là năm có khả năng độ mặn xâm nhập sớm, sâu trên các hệ thống sông, kênh trên địa bàn tỉnh, gây nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, gây nhiều bất lợi trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng xâm nhập mặn. Do đó, tình hình thời tiết, khí tượng-thủy văn từ nay đến cuối năm 2016 còn diễn biến phức tạp, nông dân cần chủ động đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, giông mạnh kèm theo lốc xoáy, sét,... ảnh hưởng đến khu vực. Bên cạnh đó, nông dân thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, dự báo tình hình lũ để kịp thời ứng phó. Mặt khác, nông dân cần bám sát lịch thời vụ để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn,...

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Huỳnh - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết