Tiếng Việt | English

24/05/2017 - 11:27

Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ!

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) gây ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ cùng rất nhiều hệ lụy: Độ tuổi kết hôn sớm hơn, tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo hành giới,... Trước tình trạng trên, Long An có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tỷ lệ MCBGTKS, gắn với việc xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên.


Tại Long An, tỷ số gới tính khi sinh năm 2016 là 108,5 bé trai/100 bé gái

“Trọng nam, khinh nữ” - Tư tưởng cần xóa bỏ

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), trong 10 năm - từ 2006 đến 2016, tỷ lệ MCBGTKS của nước ta tăng dần từ 105, 106 và có lúc lên đến 130 bé trai/100 bé gái. Tại Long An, tỷ số giới tính khi sinh thiếu ổn định. Đến cuối năm 2016 là 108,5/100,... Đây là những số liệu đáng lo ngại về tình trạng MCBGTKS. Nếu không sớm thực hiện các giải pháp triệt để, MCBGTKS sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: Trong tương lai có thể xảy ra tình trạng nam giới không thể lập gia đình hoặc lập gia đình rất trễ cùng những tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục, buôn bán phụ nữ,...

Bên cạnh đó, do áp lực chính sách DS, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con (hiện tại là sinh đủ 2 con) nên nhiều gia đình mong muốn trong số đó phải có con trai. Từ đó, họ tìm đến các dịch vụ y tế để lựa chọn giới tính trước khi sinh. Một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến MCBGTKS là việc lạm dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ lúc mang thai: Chế độ ăn uống, trong thụ thai chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, siêu âm bắt mạch, chọc hút dịch ối,...

Đến nay, tại tỉnh ta, các địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao: Tân An, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Đức Huệ và Bến Lức. Thời gian qua, ngành DS-KHHGĐ Long An đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư tưởng, hành vi “trọng nam, khinh nữ”. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc siêu âm chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, việc xây dựng xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên, đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố, góp phần khắc phục tình trạng MCBGTKS.

Bến Lức là một trong những địa phương có tỷ lệ MCBGTKS tương đối cao. Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Kiểu cho biết: “Năm 2016, tỷ lệ MCBGTKS của huyện là 110/100. Từ năm 2011 đến 2016, tỷ lệ này dao động từ 105 đến 110/100. Trong đó, một số xã có tỷ lệ MCBGTKS cao: Thạnh Hòa (175/100), Phước Lợi (135/100), Mỹ Yên (125/100), Lương Bình (124/100), thị trấn Bến Lức (122/100).

Thời gian qua, vấn đề MCBGTKS, mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên của Bến Lức luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, tỷ suất sinh giảm qua từng năm. Kết quả triển khai thực hiện chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên thiếu tính bền vững và không hoàn thành chỉ tiêu. Một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế còn tư tưởng muốn có đầy đủ “nếp, tẻ”. Việc thực hiện quy ước còn mang tính hình thức, nội dung chưa sâu. Việc xử lý người vi phạm chính sách DS (sinh con thứ 3 trở lên) chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Đặc biệt, Bến Lức có dân số cơ học khá lớn, tỷ lệ phụ nữ có điều kiện sinh đẻ có xu hướng tăng, phát sinh nhiều khó khăn trong quản lý, vận động thực hiện mục tiêu DS-KHHGĐ”.

Các địa phương trong tỉnh cũng có những khó khăn nhất định. Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng MCBGTKS, sinh con thứ 3 trở lên là vô cùng quan trọng. Bởi vì, thay đổi nhận thức là tiền đề chuyển biến hành vi.


Con gái hay con trai đều đáng quý!

Con trai, con gái đều đáng quý!

Xã hội hiện nay vẫn còn không ít gia đình có tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường. Thế nhưng, gia đình chị Lưu Thị Loan, ngụ ấp 5, xã Long Sơn, huyện Cần Đước vẫn luôn "trung thành" với quan điểm “Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”. Chị chia sẻ: “Dù sinh 2 cô con gái, gia đình tôi không sinh con thứ 3 mà tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, miễn sao các con mạnh khỏe, ngoan ngoãn là được!”. Đến nay, vợ chồng chị có nhà cửa khang trang, các con cũng được học hành đến nơi, đến chốn. Hiện tại, con gái đầu của chị tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định; cháu thứ hai đang học lớp 9. Các con đều biết yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ.

Góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành Y tế chính là “cánh tay” đắc lực trong thực hiện giải pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi. Trưởng phòng Y tế huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Rubi cho biết: “Hàng năm, Phòng Y tế phối hợp Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thanh, kiểm tra các cơ sở y tế có thực hiện siêu âm (cả công lập và tư nhân), nhất là phòng khám chuyên khoa sản và chưa phát hiện việc chẩn đoán, tiết lộ giới tính thai nhi hoặc phá thai vì lý do giới tính. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các cơ sở không dán thông báo nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi tại phòng siêu âm; thông tin về giới tính thai nhi chỉ là lời nói giữa sản phụ, người nhà với y, bác sĩ nên việc phát hiện và xử lý vô cùng khó khăn do thiếu chứng cứ”.

Cần Đước là địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác giảm thiểu MCBGTKS, duy trì thành tích các xã không có người sinh con thứ 3 trở lên. Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Cần Đước - Trần Kim Liên chia sẻ: “Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 107/100. Mặc dù, con số này đang ở mức cho phép và thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, song tỷ lệ này không ổn định và tiềm ẩn yếu tố mất cân bằng. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Cần Đước tích cực xây dựng và duy trì mô hình xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Từ đó, ý thức của người dân càng được nâng cao. Nếu như năm 2011, toàn huyện chỉ có 2 xã đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên thì đến năm 2016 có 10 xã đạt chuẩn”.

Giải pháp bền vững nhất vẫn là nhận thức của người dân trong việc thay đổi tư tưởng, quan niệm về phân biệt giới tính. Vì vậy, các cặp vợ chồng nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt, tạo điều kiện để ổn định kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững.

1. Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, tình trạng MCBGTKS có xu hướng tiếp tục gia tăng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Cả nước có 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 /100.

Tỷ số MCBGTKS sẽ tăng lên khoảng 125 /100 vào năm 2020 và duy trì ở mức này đến năm 2050. Như vậy, nước ta sẽ thiếu khoảng từ 2,3 triệu - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050 nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

2. Tại Long An, tỷ số MCBGTKS vào tháng 4/2009 là 102,9/100 và đến năm 2016 là 108,5/100. Tỷ số này từ năm 2011-2016 dao động ở mức 108-109/100. MCBGTKS xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Tỷ số 108/100 ở lần sinh thứ nhất và tăng lên 148/100 ở lần sinh thứ 3 trở lên.

3. Những năm gần đây, Long An đều hoàn thành đạt, vượt mục tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên. Toàn tỉnh có 56 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện không hoàn thành mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên và không duy trì được mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết