Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 08:36

Du lịch ẩm thực mùa nước nổi

Mùa nước nổi đã về, những con nước từ thượng nguồn lại mang đến cho vùng đất Đồng Tháp Mười lượng phù sa và những sản vật thiên nhiên trù phú. Đến với vùng đất “Tháp mười nước mặn đồng chua; Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng” vào thời điểm này, thực khách phương xa sẽ nhớ mãi những món ăn hương đồng gió nội; qua đó hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.

 

Cá lóc nướng trui 

Một sáng trời trong gió mát, nhóm bạn của tôi từ Sài Gòn quyết định “phượt” xe máy gần 200km để trải nghiệm một chuyến hành trình về Tân Hưng vào mùa nước nổi. Mấy ngày ngắn ngủi “trú ngụ” nhà người quen, các bạn nhận ra, các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường, dù có khác nhau về tên gọi nhưng lại có chung nét văn hóa ẩm thực. Đó là cách ăn uống dân dã gắn với môi trường tự nhiên. Điều này các bạn cũng được người dân ở vùng Đồng Tháp Mười giải thích “Những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này lập nghiệp, đường sá còn chưa có phải đi lại bằng ghe xuồng.

Vì cuộc sống gắn với miền quê sông nước nên ẩm thực cũng gắn với đặc trưng này. Trong quá trình sinh sống, người dân thường tận dụng những sản vất của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này để làm nên những bữa ăn như cá linh, cá lóc, bông điên điển, sen, súng… Vì vậy, cứ sau một ngày lao động, người dân thưởng trở về nhà với bó súng, con cá hay bó rau để nấu canh hoặc kho, nướng…”. Tính dân dã trong văn hóa ẩm thực của người Đồng Tháp Mười là thế!
Nét văn hóa ẩm thực ấy của người dân Đồng Tháp Mười đến ngày nay vẫn còn lưu giữ. Dù cuộc sống đã thay đổi, muốn mua bất cứ thứ gì, ra chợ là có ngay nhưng với người dân miền sông nước, những sản vật từ thiên nhiên vẫn là thức ngon dành đãi bạn hiền, nhất là vào mùa nước nổi. Chỉ cần “Bắt con cá lóc nướng trui. Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa” cũng đủ làm thực khách nhớ mãi vùng Đồng Tháp Mười. Không chỉ là món “đặc sản” miền quê đãi bạn, cá lóc nướng trui đi kèm với vài món ăn khác cũng thường được dùng trong những mâm cơm cúng việc lề của người dân. Nhưng dù đãi bạn hay dùng trong văn hóa tâm linh thì cá lóc nướng trui muốn ngon đều phải chọn cá đồng cỡ khoảng 1kg trở lại là vừa ăn (ngon nhất là loại cá 0,5 kg) Không phải cầu kỳ đánh vảy, làm ruột như món cá kho, chỉ cần rửa con cá sạch, sau đó dùng một thanh tre nhỏ xiên từ họng cá đến phần đuôi và gói trong vài lá sen cho vào rơm hoặc củi khô để nướng. Giữa không gian ẩm thực vườn nhà rộng mát, vừa ngồi bên nhau chuyện trò, vừa nghe mùi cá thơm lừng bốc lên quả thật không có gì bằng! Mở lá sen ra, cá lóc đã chín và được cạo vảy thật sạch chỉ còn lại phần thịt trắng trẻo trông hấp dẫn vô cùng. Nhưng để món ăn thêm ngon, cá lóc nướng trui thường được cuốn với lá sen non và các loại rau diếp cá, húng cây… Chút chua, chút chát của các loại rau hòa cùng vị ngòn ngọt của cá khi chấm vào nước mấm me sềnh sệch sẽ tạo ra mùi vị rất riêng của món ăn dân dã này. Đó là chút mặn, chút ngọt như cái tình của người vùng Đồng Tháp Mười vậy!

Ngoài cá lóc nướng trui, nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi không thể không nhắc đến cá linh. Có nhiều cách chế biến như cá linh kho tiêu, kho ngót chấm bông súng… nhưng với nhiều thực khách, nồi canh chua cá linh nóng hổi, thơm lừng vẫn thật khó quên khi đến Đồng Tháp Mười. Những ngày lũ mới bắt đầu đổ về là lúc cá linh ngon nhất vì còn non, mềm, béo và có thể ăn cả xương. Đây cũng là lúc hoa súng nở hồng trên đồng ruộng, điên điển vàng rực ở mé sông. Chỉ cần dong thuyền ra đồng hái bó súng, nắm bông điên điển về làm sạch là đã có thêm những món rau đồng nội làm phong phú thêm cho món canh chua cá linh.

Món canh chua cá linh cũng không quá cầu kỳ khi chế biến mà lại bình dị như chính vùng đất Đồng Tháp Mười. Cá linh chỉ cần cắt bỏ ruột, rửa sạch là có thể dùng. Nấu nồi nước, cho thêm ít cơm mẻ hoặc me để có vị chua, đến khi sôi sẽ cho cá linh vào. Chỉ cần vài phút là cá linh đã chín, sau đó cho thêm súng, bông điên điển, vài lát ớt và ngò thơm xắt nhuyễn là đã được nồi canh chua miền quê. Canh chua cá linh có thể dùng với bún và cơm đi kèm một chén nước mắm ớt mặn, cay. Nhưng “Canh chua điên điển cá linh. Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Vì vậy, khi ăn món canh chua cá linh nói riêng và bữa ăn của người Đồng Tháp Mười nói chung thường phải có dăm ba người. Chấm con cá linh vào nước mắm, thêm vị chan chát của điên điển và chút giòn giòn của bông súng rồi cùng nhau tấm tắc khen ngợi vừa làm món ăn thêm ngon, vừa tăng thêm tính gắn kết cộng đồng. Bát canh chua nóng hổi cùng với cơm nóng, dù có làm thực khách ướt đẫm mồ hôi khi thưởng thức những bữa cơm vẫn sẽ ngon và đậm đà tình nghĩa.

Chia tay những người dân chân chất, các bạn của tôi trở lại Sài Gòn. Rồi, giữa chốn phồn hoa, nhớ con cá lóc nướng trui, nhớ nồi canh chua cá linh thơm lừng nghi ngút khói, các bạn lại hẹn nhau năm sau lại về Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi.

Thùy Hương

 

Chia sẻ bài viết