Tiếng Việt | English

30/03/2017 - 19:36

Du lịch trên sông Cần Giuộc

Sông Cần Giuộc xuất phát từ rạch Bình Điền (TP.HCM). Tuy chỉ dài 38km nhưng chỗ thì tên Phước Lộc, chỗ thì tên Rạch Cát, chỗ thì tên Soài Rạp; sang địa phận huyện Cần Đước, Soài Rạp thành Rạch Cát trước khi trở lại sông Soài Rạp chảy ra biển Đông. Với cuộc hành trình ấy mà sông mang trên mình của nó rất nhiều cảnh đẹp dễ làm say đắm du khách.

Một góc Cảng quốc tế Long An đang xây dựng (nhìn từ bến đò Tân Tập)

1.Vào rạch tham quan chùa cổ

Hãy tưởng tượng đây là tuyến du lịch đường sông kết nối với TP.HCM - nơi phát triển mạnh loại hình du lịch này. Tàu du lịch xuôi sông Cần Giuộc, tới địa phận xã Đông Thạnh (Cần Giuộc), rẽ vào con rạch có tên Rạch Núi, dừng lại ở điểm rộng như cái bể, chung quanh là những chòi nổi bán cà phê. Du khách xuống tàu, bước qua hàng tre hình rẻ quạt cao vút để lên chùa Rạch Núi.

Chùa Rạch Núi, chùa Núi hay tổ đình Linh Sơn mà không thấy núi đâu cả! Năm 1999, tôi có dự và đưa tin về lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa chùa Rạch Núi của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Trên gò đất cổ kính này, hơn 3.000 năm trước có người cổ đại sinh sống và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đây còn là chốn dung thân của nhiều cán bộ cách mạng hoạt động dưới sự chở che, bảo bọc và hợp tác của nhà chùa. Trên gò có hàng chục cây me cổ thụ.

Theo sách Khảo cổ học Long An thời tiền sử của nhóm tác giả PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, TS. Bùi Phát Diệm, ThS. Vương Thu Hồng (Bảo tàng Long An), thì gò Rạch Núi nằm trên khu đất dạng tròn, đường kính 100-120m, cao 6m so với địa hình chung quanh. Chùa nằm trên đỉnh gò; dưới chân gò có một con rạch chảy vòng từ phía Tây sang phía Đông rồi đổ ra sông Cần Giuộc. Xa xưa, vùng này là đất sình lầy, nhiễm mặn, nước lợ quanh năm. Vết tích còn lại của các đường bờ biển cổ là những giồng cát nổi cao hơn so với địa hình đồng bằng.

Từ năm 1937, Fraisse - Phó Tỉnh trưởng Chợ Lớn hướng dẫn nhiều nhà khảo cổ học người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ lần lượt đến đây điều tra. Từ sau 1975, có nhiều cơ quan chuyên môn tiến hành các đợt thám sát, khai quật các hố có tầng văn hóa ở nhiều điểm khác nhau quanh chùa và thu thập được rất nhiều di vật đồ đá, đồ xương, kim loại, gốm,... Thông qua các tư liệu này cho thấy, cư dân cổ Rạch Núi biết đắp nền đất và dựng lên đó các cột gỗ làm khung mái che mưa nắng - một dạng nhà ở sơ khai của chủ nhân các di tích, thích nghi với môi trường sống và khai thác từ thiên nhiên các nguồn lợi phục vụ cuộc sống cộng đồng.

Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy tại đây những nền nhà được đắp chồng nhiều lớp lên nhau qua nhiều đời chủ nhân; có chỗ chồng lên đến 10 lớp nền. Có nhiều cột, khung nhà bằng gỗ. Người cổ còn sử dụng tre để tạo khung sườn liên kết các cột và dùng lá dừa nước để lợp nhà. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở đây người cổ dùng các loài thuộc hệ sinh thái ngập mặn nơi cửa sông như cá, kỳ đà, cá sấu, khỉ, chuột,... làm thức ăn (theo sđd).

Cũng theo sách trên, phân tích các mẫu di chỉ cho thấy, cư dân sớm nhất đến cư trú trên khu vực Rạch Núi có tuổi khoảng 3.000 năm. Có thể những cư dân đầu tiên tìm đến định cư ở đây vào thời điểm tương ứng với giai đoạn biển thoái Honocene I (vào khoảng 1.650-1.150 năm trước CN). Họ thể hiện nhiều sáng tạo trong việc khai thác mọi nguồn lợi tự nhiên từ rừng - sông - biển và để lại trong tầng văn hóa của di chỉ những di tồn vật chất, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về một nền văn hóa cổ của lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ.


Cổng chùa Rạch Núi

2. Gốc gác chùa Rạch Núi

Tư liệu của chùa cho thấy, ban đầu là nhà sư Nguyễn Quới đến lập một cái am vào năm Đinh Mão (1867) để tu hành. Trải qua 150 năm (1867- 2017) và 6 đời sư trụ trì với 4 lần trùng tu, ngôi chùa hiện hữu gồm ngôi chánh điện, ngôi giảng đường và ngôi hậu đường tọa lạc trên gò đất từ hoang sơ, cây cối sầm uất, cư dân thưa thớt.

3. Trăm năm đồn Rạch Cát

Tiếp tục tour trên tàu, du khách từ sông nhìn lên công trình Cảng quốc tế Long An đang được tiếp tục xây dựng bên bờ Soài Rạp. Chẳng mấy chốc sau, du khách còn được ngắm toàn cảnh pháo đài Rạch Cát ẩn sau đám cây ngập nước, trải một màu xanh rậm bao quanh đồn. Lên tham quan đồn Rạch Cát, một di tích đồn lũy cổ mà người Pháp xây từ những năm đầu thế kỷ XX. Một pháo đài bêtông trăm năm tuổi vẫn còn nguyên hình dạng của nó; trên nóc vẫn còn nhô mấy ụ pháo và khẩu pháo, đại bác mà thực dân Pháp để lại.

4. Ẩm thực sông nước

Tàu quay về Cần Giuộc, không quên ghé bến đò Tân Tập - Vàm Sác ở cạnh bến Cảng quốc tế Long An. Cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập từ sáng sớm đến chiều tối. Lên bến là thấy từng dọc dài xe du lịch, xe buýt đậu san sát. Xe du lịch là của khách đi chơi. Cứ chốc lát lại có một chuyến đò đi Vàm Sác ở bên kia sông - hướng Rừng Sác, Cần Giờ; và chuyến đò Vàm Sác vào bến Tân Tập. Lẫn vào đó là thuyền chài băng ngang sông, hụp xuống, ngóc lên theo con sóng để cập bến, đưa nào cá, nào tôm, nào cua, nào ghẹ, nào ốc, nào sò,... từ biển Cần Giờ hay biển Gò Công, còn tươi rói, lên bến.


Một góc dãy quán ẩm thực trên bến đò

Trong khi hai bên bến đò là dọc dài các quán nhô ra mặt sông. Gió thổi thông thốc lên quán. Từ khi có nhiều đường nhựa kết nối TP.HCM dẫn về các xã vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước thì khách từ TP.HCM càng đổ xô về đây để vừa tránh nóng, vừa thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản. Còn gì thú vị hơn khi ngồi trên sàn gỗ quán nổi, nghe sóng vỗ ì ầm dưới gầm quán, vừa ăn uống, vừa nhìn ra sông Soài Rạp hun hút đôi bờ mây khói như mặt biển với từng con tàu to lớn lừng lững lướt sóng, xuôi ngược trên sông./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết