Tiếng Việt | English

10/03/2018 - 00:50

Dư luận quốc tế đánh giá về việc ký Hiệp định CPTPP

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có những đánh giá tác động của sự kiện ký Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh 11 nước tham gia đàm phán còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa ký kết thỏa thuận tại thủ đô Santiago của Chile, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có những đánh giá tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế thế giới.

CPTPP được cho là một thành tựu lịch sử. Ảnh: SBS

Trong phản ứng mới nhất, các nhóm ngành nghề chiếm phần lớn hoạt động xuất khẩu của New Zealand đã hoan nghênh việc ký kết chính thức Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một biện pháp chống lại các động thái của Mỹ nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp của nước này bằng việc áp thuế nhập khẩu cao.

Trong một tuyên bố, sau khi CPTPP được ký kết vào rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker khẳng định: "Đây là một thỏa thuận công bằng đối với New Zealand". Ông cho rằng "thỏa thuận này mang lại cho các nhà xuất khẩu New Zealand cơ hội mới tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản.

Với Mexico, giới doanh nghiệp và người dân sở tại đều đánh giá tích cực những tác động của hiệp định này đối với nền kinh tế bản địa, tin tưởng CPTPP sẽ giúp Mexico mở rộng và tăng cường quan hệ thương mại với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều doanh nhân đánh giá quyết định của chính phủ ký kết CPTPP là sáng suốt, qua đó Mexico sẽ tăng cường hơn nữa thương mại với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Australia.

Ý kiến nhận định tất cả các quốc gia đều có nhu cầu đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm các đối tác mới để tránh phụ thuộc vào một quốc gia nào đó và không “đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Vì vậy, mở rộng thương mại với châu Á-Thái Bình Dương là điều cần thiết.

Ngoài ra, thông qua CPTPP, quan hệ giữa các quốc gia thành viên sẽ được tăng cường hơn và giới trẻ Mexico sẽ có cơ hội hiểu hơn về văn hóa của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về phía Nhật Bản, nước có đóng góp lớn để hồi sinh Hiệp định TPP với tên gọi mới là CPTPP, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng, với CPTPP hay TPP 11 chiếm tới 13% GDP toàn cầu tương đương 10.000 tỷ USD, 15% tổng kim ngạch thương mại thế giới tương đương 5.000 tỷ USD tạo ra một thị trường lớn nhất trên thế giới. Nó còn tạo ra một cửa ngõ vào khu vực Châu Á -Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên với nhau và hợp tác trong và ngoài khu vực. Chính vì thế, bất chấp những thách thức khó khăn, CPTPP là một thành tựu lịch sử.

 “CPTPP là thành tựu lịch sử tạo ra những quy tắc tự do và công bằng cho thế kỉ 21 tại châu Á-Thái Bình Dương. Tất cả các bộ trưởng hôm nay đều nhất trí nỗ lực tối đa để mở rộng cũng như thực thi thông suốt hiệp định này”, ông Motegi nói.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ đã có nhiều bài viết đánh giá những tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế số 1 thế giới.

Tờ Thời báo New York đã đăng bài viết với tiêu đề "Các đồng minh của Mỹ ký một thỏa thuận thương mại thách thức Tổng thống Donald Trump". Theo đó bài  báo cho rằng, hiệp định thương mại tự do của khu vực châu Á - Thái Bình Dương từng được Mỹ đi đầu với mục tiêu làm đối trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á giờ đây có một mục tiêu mới, đó là chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump.

Nhóm 11 quốc gia, trong đó có cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản, Canada và Australia đã ký một hiệp định thương mại mới thách thức quan điểm của Tổng thống Donald Trump vốn coi thương mại là "trò chơi có tổng bằng không" chỉ có người thắng và kẻ thua.

Với tiêu đề "Thiếu Mỹ, TPP vẫn được xúc tiến", tờ Tạp chí Phố Wall cho rằng, CPTPP sẽ gây những tác động đáng kể đối với Mỹ. Các nhà sản xuất, nông dân và cung cấp dịch vụ của Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh tại những thị trường TPP chủ chốt, nhất là Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam. Theo Tạp chí Phố Wall, CPTPP là minh chứng mới nhất cho thấy các quốc gia khác đang đẩy nhanh những nỗ lực ký kết các thỏa thuận thương mại./.

Vũ Anh Tuấn/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết