Tiếng Việt | English

16/01/2018 - 06:20

Đưa hoạt động trải nghiệm vào trường học liệu có xảy ra lạm thu?

Dư luận cho rằng, khi hoạt động trải nghiệm được đưa vào trong trường học thì sẽ phát sinh các khoản chi phí nên dễ xảy ra tình trạng lạm thu.

Dự thảo chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh các môn học, điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới là học sinh sẽ phải tham gia các hoạt động trải nghiệm và được đánh giá.

Hoạt động trải nghiệm được tổ chức ngay tại một trường học ở Hà Nội

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm khẳng định, hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông mới không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Ở Tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở THCS và THPT là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Kinh phí cho hoạt động trải nghiệm lấy từ đâu?

Khi thiết kế chương trình, ban soạn thảo chương trình phải nghĩ đến sự phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất trường học ở Việt Nam, sao cho các trường học có thể tổ chức được hoạt động này.

Chương trình sẽ có nhiều hoạt động được thiết kế thực hiện ở ngay trong điều kiện lớp học để rèn luyện cho học sinh có được những kỹ năng sống, phát triển bản thân, trong khuôn viên nhà trường như các buổi lao động, các buổi giao lưu… Đây là hoạt động cơ bản phải được các trường thực hiện.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm (ảnh: NVCC)

Ngoài ra, các trường có thể đưa học sinh ra ngoài lớp học như: hoạt động xã hội, thiện nguyện, tình nguyện, nhân đạo, vì cộng đồng...

Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng, khi hoạt động trải nghiệm được đưa vào trong trường học thì sẽ phát sinh các khoản chi phí nên dễ xảy ra tình trạng lạm thu.

Trước những thắc mắc của phụ huynh, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ rằng, chương trình Hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp ngoài quy định.

Các trường học có thể tổ chức những hoạt động trải nghiệm mang tính xã hội như tình nguyện, vì cộng đồng một cách rất tốt nhưng kinh phí không tốn kém và lại rất hiệu quả, thiết thực với xã  hội.

Còn những hoạt động mang tính chất khám phá hay đi thực địa như các cuộc tham quan, dã ngoại, chuyến đi thực tế... có thể được “xã hội hóa” từ các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, cá nhân hỗ trợ để nhà trường thực hiện tốt.

Điều này đòi hỏi nhà trường chủ động thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục.

Các khoản kinh phí phát sinh có thể sử dụng từ đóng góp của phụ huynh và từ công tác “xã hội hóa” nhưng cũng cần được các bên thống nhất, công khai minh bạch về tài chính để sử dụng đúng mục đích.

Đánh giá học sinh phải được thực một cách thường xuyên

Bên cạnh những ý kiến góp ý về các khoản thu chi cho hoạt động trải nghiệm, phụ huynh cũng lo lắng về tính hiệu quả của các hoạt động này với học sinh.

Trước thắc mắc trên, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết, để có thể đánh giá được kết quả của hoạt động trải nghiệm chắc chắn, việc theo dõi, quan sát, đánh giá đứa trẻ thường xuyên là hết sức quan trọng. Bởi để đảm bảo đánh giá được khách quan kết quả hoạt động trải nghiệm phải có một thời gian nhất định thì mới có thể nhìn ra được kết quả. Đó là sản phẩm của cả một quá trình rèn luyện của trẻ.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường học có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh thông qua các cuộc tham quan, chuyến đi thực tế (ảnh minh họa)

Do đó, việc chúng ta đánh giá từng năm một cũng đã là điều rất khó khăn. Như ở các nước thì rất khác, họ đánh giá kết quả của hoạt động giáo dục thường theo giai đoạn.

Giả sử cả bậc Tiểu học chỉ đánh giá 2 lần, hay THCS cũng vậy chứ họ không đánh giá theo từng năm. Song với đặc thù của giáo dục Việt Nam, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra 12 mốc tương ứng với 12 năm để có thể đánh giá phần nào sự phát triển của một đứa trẻ.

Tuy nhiên, ban soạn thảo chương trình cũng khuyến cáo nó chỉ mang tính chất tham khảo chứ chúng ta cũng không cứng nhắc, bởi đây là sự phát triển những năng lực tâm lý xã hội, mà chưa kể còn gắn với văn hóa, với từng vùng miền nữa.

Tuy vậy, chương trình được xây dựng sẽ đảm bảo rằng nhà trường dù trong bất kỳ điều kiện nào cũng đều có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Tùy điều kiện như thế nào mà nhà trường lựa chọn quy mô cho phù hợp./.

Bích Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích