Tiếng Việt | English

25/09/2018 - 10:33

Dừa xiêm dứa “bén duyên” vùng đất Tân Hưng

Nếu không được tận mắt nhìn thấy và thưởng thức nước dừa xiêm dứa tại vườn dừa của anh Ngân Văn Phi, ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, thì khó lòng mà tin được giống dừa này được trồng tại đây.

Sau nhiều chuyến tham quan thực tế các mô hình trồng dừa ở nhiều nơi, thấy giống dừa xiêm dứa cho trái nhiều, nước ngọt, có hương thơm đặc biệt nên anh Ngân Văn Phi bàn với gia đình mua giống về trồng. Vì đây là giống dừa ít được trồng tại địa phương, giá cây giống khá cao (70.000 đồng/cây), nên anh còn e ngại trong việc đầu tư.

Với suy nghĩ, ở nơi khác người ta trồng được thì mình trồng được, năm 2013, vợ chồng anh Phi mạnh dạn chuyển 2ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình và đầu tư hơn 130 triệu đồng lên liếp, mua 500 cây dừa về trồng. Sau hơn 4 năm trồng, vườn dừa của anh cho thu hoạch. Bình quân mỗi tuần, anh Phi bán cho thương lái từ 400-500 trái, với giá 10.000 đồng/trái, mỗi tháng anh thu nhập gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, thấy bưởi da xanh chịu bóng râm, thích hợp trồng xen canh với dừa, anh trồng 300 gốc, hiện bưởi cũng đã ra hoa, kết trái.

Bình quân mỗi tuần anh Phi bán từ 400- 500 trái dừa xiêm dứa thu nhập từ 4-5 triệu đồng

Bình quân mỗi tuần anh Phi bán từ 400- 500 trái dừa xiêm dứa thu nhập từ 4-5 triệu đồng

Anh Ngân Văn Phi chia sẻ: “Do vùng đất gò cao nên số diện tích này sản xuất lúa kém hiệu quả, nhiều năm thua lỗ. Từ khi chuyển sang trồng dừa, tôi thấy giống dừa rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Loại dừa này rất dễ trồng, ít phân, thuốc, chỉ cần dưỡng cho bộ lá xanh tốt, so với trồng lúa thì cây dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.

Thấy đạt hiệu quả, vợ chồng anh Phi quyết định đầu tư lên liếp gần 2,5ha đất ruộng còn lại của gia đình để trồng thêm 550 gốc dừa xiêm dứa và dừa xiêm lùn theo quy cách cây cách cây 5m theo hàng dọc, hàng cách hàng 7m và trồng xen canh thêm 150 gốc bưởi.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng - Mai Văn Cảm cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được địa phương xác định là một trong những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Với 2.800ha đất sản xuất lúa 2 vụ/năm, gần đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi gần 120ha từ trồng lúa sang trồng hoa màu, cây ăn trái các loại, trong đó có mô hình trồng dừa của anh Ngân Văn Phi. Mô hình chuyển đổi bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho người dân, dần phá thế độc canh cây lúa.

Cây dừa đang “bén duyên” trên vùng đất Hưng Thạnh, mở ra hướng đi mới cho nông dân nơi đây. Dự kiến nhiều hộ dân sẽ mở thêm diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa, bưởi, mít, mãng cầu,... Hy vọng sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết