Tiếng Việt | English

18/01/2018 - 10:22

Đức đứng trước lựa chọn “liên minh hoặc một cuộc bầu cử mới”

Đây là sự kiện không chỉ được dư luận Đức, mà cả Liên minh châu Âu quan tâm, khi quốc gia trụ cột của khối đang lâm vào tình trạng bế tắc chính trị.

Đức đang trải qua khoảng thời gian mang tính quyết định đối với tương lai chính trị của nước này, khi đảng Dân chủ Xã hội sẽ tổ chức Đại hội bất thường vào cuối tuần này để xác định liệu có tiến hành đàm phán thành lập chính phủ liên minh với liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel hay không.

Đức đang đứng trước lựa chọn liên minh hoặc một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz. Ảnh:Daily Express

Không phải chỉ có một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội Đức ủng hộ ý tưởng thành lập một đại liên minh mới với liên đảng bảo thủ của đương kim Thủ tướng Angela Merkel, mà rất nhiều người ý thức được rằng, việc bác bỏ kịch bản này chắc chắn sẽ dẫn tới các cuộc bầu cử mới, điều mà không ai mong muốn.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những cảnh báo mà các quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ Xã hội đưa ra những ngày qua. Trả lời báo chí mới đây, Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội Lars Klingbeil nhấn mạnh, các thành viên trong đảng phải ý thức được rằng họ chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là đàm phán chính thức để thành lập đại liên minh hoặc là các cuộc bầu cử mới.

Ông cũng chia sẻ “sự hoài nghi sâu sắc” của nhiều thành viên trong đảng Dân chủ Xã hội, song nhấn mạnh, các cuộc bầu cử mới có thể là cơ hội cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), lần đầu tiên có ghế tại Quốc hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, với chủ trương phản đối nhập cư.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố mới đây nhất, đảng Dân chủ Xã hội chỉ nhận được  18,5% số ý kiến ủng hộ trong trường hợp nước Đức buộc phải bước vào các cuộc bầu cử mới, thấp hơn 2 điểm so với cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 9 năm ngoái.

Tại cuộc bầu cử khi đó, đảng Dân chủ Xã hội đã phải chứng kiến một kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1949. Một số ý kiến, ngay trong đảng này cho rằng, tỷ lệ ủng hộ đảng có thể giảm xuống 15 hoặc 16% nếu họ từ chối tham gia liên minh mới. Trong trường hợp này, họ sẽ mất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Nhân vật số một của đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu những ngày qua cũng ráo riết vận động, đã thuyết phục các thành viên đảng bỏ phiếu ủng hộ tại đại hội bất thường vào cuối tuần này.

“Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận rất hữu ích, rộng rãi và mang tính xây dựng. Tôi không chỉ ngạc nhiên về sự nghiêm túc của cuộc thảo luận mà còn rất ấn tượng. Tôi tin rằng với những gì đã thảo luận những ngày qua, chúng ta có thể đạt được kết quả mong muốn tại Đại hội đảng sắp tới”. Ông Schulz nói.

Đây  là lần đầu tiên đảng Dân chủ Xã hội tiến hành đại hội đảng toàn quốc để quyết định việc có hay không tiến hành đàm phán thành lập chính phủ liên minh. Trong trường hợp Đại hội đảng bật đèn xanh cho đàm phán chính thức với liên đảng bảo thủ, đảng Dân chủ Xã hội còn phải tiến hành cuộc trưng cầu với toàn bộ số đảng viên còn lại trên toàn nước Đức về việc có đồng ý thỏa thuận liên minh với Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo hay không.

Cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, nước Đức cần một chính phủ ổn định và tin tưởng các nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội sẽ đưa ra một quyết định trách nhiệm khi đồng ý mở các cuộc đàm phán chính thức với Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo.

Một đại liên minh giữa đảng bảo thủ và đảng Dân chủ xã hội đã lãnh đạo nước Đức trong các giai đoạn 2005-2009 và 2013-2017. Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 24/9/2017 đã chứng kiến sự tụt dốc của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, trong khi đảng Dân chủ Xã hội cũng chịu kết quả tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh đến mức mà lãnh đạo đảng, ông Martin Schulz đã ngay lập tức bác bỏ mọi thỏa thuận mới với phe bảo thủ và quyết trở thành phe đối lập.

Tuy nhiên, dưới sức ép của Tổng thống Frank Walter Steinmeier sau thất bại của các cuộc đàm phán giữa Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo, với đảng tự do và đảng Xanh, ông này đã phải xem xét lại quyết định./.

Thu Hoài/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết