Tiếng Việt | English

28/01/2016 - 09:37

Long An

Đức Hòa cần lực đẩy để phát triển tiểu thủ công nghiệp

Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Đức Hòa khá phong phú như nghề làm bánh tráng, đan lác, chằm nón lá,… góp phần giải quyết lao động nông nhàn, giúp người dân có thêm thu nhập.


Chằm nón lá

Gia đình chị Nguyễn Thị Bao, ở ấp An Hưng, xã An Ninh Đông là 1 trong những hộ nông dân chọn nghề chằm nón lá làm nghề “tay trái”. Chị cho biết: “Chằm nón lá là một nghề có từ lâu của gia đình tôi, phù hợp với sức lao động của những phụ nữ lớn tuổi, không thể đi làm ở các xí nghiệp. Khi chọn nghề chằm nón lá, các cô, các chị sẽ chủ động về thời gian với thu nhập gần 1,5 triệu đồng/người/tháng”. Tuy không giúp người dân làm giàu nhưng nghề này “gắn bó” với Đức Hòa 40 năm qua. Đây được xem là nghề truyền thống, tập trung nhiều ở các xã vùng thượng của huyện như An Ninh Đông, An Ninh Tây, Lộc Giang,…

Nón lá được làm từ lá mật cật có nguồn gốc từ Campuchia, với rất nhiều loại như nón thưa, nón lỡ, nón dày,… giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/cái. Theo bà Nguyễn Thị Rìa, ở ấp An Thuận, xã An Ninh Đông: “Nghề chằm nón đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo và phải có cả niềm đam mê. Nếu chuẩn bị sẵn tất cả các công đoạn, mỗi ngày, một người có thể chằm được từ 6-8 nón dày, nón lỡ thì được khoảng 10-12 cái. Nghề chằm nón lá không giúp người dân làm giàu nhưng góp phần giúp những phụ nữ lớn tuổi như tôi hoặc các cháu nhỏ có thể phụ mẹ kiếm tiền sau giờ học. Hiện nay, mỗi ngày, tôi chỉ chằm được 10 cái, sau khi trừ chi phí (lá, vành, chỉ…), tôi kiếm được 50.000 đồng/ngày”.

Không chỉ có nghề chằm nón lá, nghề làm bánh tráng cũng tồn tại nhiều năm qua ở Đức Hòa, nghề này lại tập trung nhiều ở xã Lộc Giang, Tân Phú. Theo thống kê, xã Lộc Giang hiện có 5 cơ sở làm bánh tráng với gần 200 lao động tham gia, tập trung nhiều ở ấp Lộc Thạnh, Lộc Hòa. Các cơ sở này góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập khoảng 150.000 - 180.000 đồng/người/ngày.

Anh Phạm Thành Dũng, chủ lò bánh tráng ở ấp Lộc Thạnh chia sẻ: “Bánh tráng ở đây được người tiêu dùng ưa thích bởi làm bằng loại bột mì cao cấp. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay. Mỗi ngày, trung bình, lò bánh tráng của tôi cho ra khoảng 1 tấn bánh thành phẩm, riêng tháng Chạp, sản lượng tăng lên có khi gấp rưỡi, gấp đôi. Ngày thường, chúng tôi chỉ tráng đến 1 giờ chiều là tắt lò nhưng giáp tết thì phải làm đến khi tắt nắng vì nhu cầu của khách hàng tăng cao”.

Bên cạnh chằm nón lá và làm bánh tráng, đan lác cũng được xem là nghề tiểu thủ công nghiệp tồn tại lâu đời ở Đức Hòa, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống. Nghề này không tập trung ở một xã mà rải rác khắp nơi trong huyện. Bà Nguyễn Thị Của, ở ấp Chánh, xã Tân Mỹ cho biết: “Ở đây, phụ nữ lớn tuổi đến đứa trẻ 10 tuổi cũng biết đan lác. Trẻ con thì làm những công đoạn đơn giản, lớn lên chút nữa biết theo chân người lớn đi mua trúc, tre đem về phơi nắng, chẻ nan, đan thành các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như rổ, thúng, cần xé, vỉ phơi bánh tráng,... Với nghề này, bình quân mỗi ngày, một người có thể kiếm được gần 100.000 đồng”.

Thời gian qua, chính quyền ở các địa phương có nghề truyền thống thực hiện và đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khuyến công nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành nghề. Tuy nhiên, dù khá phong phú, nhưng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Đức Hòa hiện nay vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình, nhiều cơ sở sản xuất thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất,…

Chính vì vậy, nhằm khôi phục và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần tạo việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn, các ngành chức năng, các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân,… cần quan tâm phối hợp hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra sản phẩm…; nhất là tổ chức lại sản xuất, như: Tổ chằm nón lá, tổ đan lác,… đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại nhiều địa phương./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích