Tiếng Việt | English

29/05/2017 - 11:15

Đức Hòa: “Nở rộ” trồng nấm rơm

Hơn 1 năm trở lại đây, trồng nấm rơm “nở rộ” ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trên những diện tích đất nông nghiệp chưa vào vụ sản xuất, một số người dân thuê để trồng nấm rơm, kiếm thêm thu nhập.

Trồng nấm rơm ở huyện Đức Hòa ngày càng nhiều

Du canh theo mùa

Gia đình chị Danh Thị Mỹ Hà từ huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đến huyện Đức Hòa làm thuê cho những người trồng nấm rơm. Sau thời gian trồng nấm, hái nấm thuê, chị học được nghề và quyết định tự trồng nấm.

Dựng căn chòi nhỏ trên mảnh đất thuê, chị Hà cùng gia đình sống những ngày du canh, du cư hơn 7 tháng. “Trước Tết Nguyên đán 2017, tôi thuê 5.000m2 đất ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ để trồng nấm rơm. Hiện tại, 5.000m2 này đã thu hoạch và tôi mướn thêm 2.000m2 đất ruộng, tiếp tục trồng nấm rơm. Khi nào ở đây, người dân vào vụ mùa, không còn đất trống cho thuê, tôi sẽ di chuyển sang nơi khác” - chị Hà cho biết.

Cũng như chị Hà, nhiều người từ các tỉnh miền Tây cũng du cư theo mùa. Đa số họ là những lao động nhàn rỗi, không đất sản xuất nông nghiệp. Quê ở tỉnh An Giang, vì nhà nghèo nên em Kim Văn Lọt phải nghỉ học sớm. Mấy tháng nay, em theo ba mẹ đến Đức Hòa thu hoạch nấm rơm mướn.

“Nhổ 1kg nấm, em được trả tiền công 4.000 đồng. Nhờ ở vùng này có nhiều người trồng nấm nên em kiếm được số tiền khá hơn lúc ở quê. Hết mùa nấm rơm ở Đức Hòa, người trồng nấm di chuyển đến nơi khác thì em cũng đi theo để làm mướn” - em Kim Văn Lọt chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Hòa - Nguyễn Hoàng Tân cho biết: “Khoảng hơn 1 năm nay, trồng nấm rơm “nở rộ” ở một số xã: Đức Lập Hạ, Đức Hòa Thượng, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Lập Thượng,... Người trồng chủ yếu là dân đến từ các tỉnh miền Tây về đây thuê đất. Ngoài ra, cũng có một số người dân địa phương có đất sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn thuê thêm một ít diện tích trồng nấm”.

Trồng nấm rơm tự phát kiểu “ăn theo” rất khó phát triển bền vững

Lời ăn, lỗ chịu

Trồng nấm rơm tuy thu hoạch được nhiều đợt, thời gian thu hoạch nhanh nhưng giá cả bấp bênh, thời tiết không thuận lợi thì dễ xảy ra rủi ro.

“Trồng nấm rơm mà gặp vài cơn mưa là coi như thất bại vì nấm bị úng. Vì vậy, nghề này cũng nhiều may rủi - lời ăn, lỗ chịu thôi!” - ông Nguyễn Văn Nết, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng chia sẻ. Ông Nết trồng nấm rơm hơn 3 năm nay.

Theo ông, nấm cũng dễ bị sâu bệnh nên từ lúc ủ meo phải xử lý thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế. Khâu xử lý này phải thực hiện sớm, bảo đảm đến ngày thu hoạch, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không còn trên nấm. Thông thường, nấm từ lúc ủ đến khi nhổ bán là 11 ngày và một mùa nấm kéo dài gần 3 tháng.

Tưởng rằng, với những kinh nghiệm ấy, ông Nết sẽ “ăn chắc” với nghề trồng nấm nhưng, những đợt mưa vừa qua, diện tích nấm rơm của ông không tránh khỏi thất thoát.

“Tiền vật tư, meo nấm, tiền thuê nhân công,... đều cao, trong khi giá bán nấm rơm thấp. Nếu vào ngày rằm, nấm rơm có giá 80.000 đồng/kg thì ngày thường chỉ dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg. Đáng buồn hơn, năm nay mưa sớm nên mỗi lần thu hoạch chỉ được hơn 200kg nấm, bán cho chợ đầu mối nông sản ở TP.HCM. Nghề này nếu thời tiết thuận lợi và được giá cao thì 1ha có thể lời gần 100 triệu đồng, nhưng năm nay, tôi chỉ lời hơn 10 triệu đồng” - ông Nết cho biết.

Việc trồng nấm rơm ở Đức Hòa đang có chiều hướng phát triển. Bởi trồng nấm rơm không khó lại giúp người trồng có thu nhập. Nhưng, việc trồng nấm rơm tự phát kiểu “ăn theo”, làm theo phong trào như hiện nay thì hiệu quả sẽ khó bền vững!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết