Tiếng Việt | English

28/11/2018 - 13:58

Đức Hòa: Tháo gỡ khó khăn để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả

Tuy bước đầu đạt một số kết quả tích cực nhưng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn Đức Hòa (tỉnh Long An) còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định. Địa phương cùng người dân cùng nhau tháo gỡ khó khăn để đưa nông nghiệp huyện nhà phát triển đúng hướng, tăng thu nhập cũng như lợi nhuận, ổn định cuộc sống.

Lợi nhuận cao hơn

Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp tại huyện Đức Hòa gặp một số khó khăn nhất định. Người dân chưa nhận thức đầy đủ về quy trình sản xuất sạch, an toàn, ý thức, trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra còn thấp nên chưa thể phát huy được thế mạnh vốn có.

Thực tế trên đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp lãnh đạo của địa phương. Nhờ sự định hướng đúng đắn từ đề án của cấp trên, nội lực của huyện, Đức Hòa triển khai phát triển nông nghiệp ƯDCNC và chọn cây rau, bò thịt để thực hiện chương trình.

Nông dân huyện Đức Hòa có thu nhập tăng thêm 6-7 triệu đồng/ha/vụ khi sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Sau thời gian triển khai, đề án đạt một số kết quả tích cực. Người dân chú trọng, thay đổi nhận thức về sản phẩm sạch, an toàn và có trách nhiệm khi sản xuất. Nông dân áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới, tham gia hợp tác xã để liên kết, hình thành chuỗi sản xuất. Từ đó, chất lượng cũng như số lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, tăng thu nhập, lợi nhuận so với trước.

Ông Đỗ Văn Hửng, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, vui vẻ: “Từ khi tham gia sản xuất rau ƯDCNC, thu nhập, lợi nhuận của gia đình tăng hơn so với trước. Chúng tôi rất phấn khởi! Gia đình không còn sản xuất theo thói quen cũ, bắt đầu áp dụng quy trình mới, an toàn, giảm thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang dùng phân vi sinh, hữu cơ để bón cho cây rau. Sản phẩm tạo ra an toàn nên bán cũng dễ dàng hơn. Gia đình có 1,3ha đất trồng rau và toàn bộ diện tích được ƯDCNC vào sản xuất”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Rừng Dầu (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) - Lại Văn Hây chia sẻ: “Các thành viên của HTX chuyển sang trồng rau ƯDCNC hơn một năm trở lại đây, bước đầu nhận thấy tín hiệu tích cực. Nông dân có ý thức, trách nhiệm với sản phẩm, hạn chế thói quen cũ, tăng cường liên kết trong sản xuất. Sản xuất ƯDCNC, thu nhập của thành viên tăng thêm 6-7 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm chủ yếu của HTX là rau ăn trái, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc khi cần. HTX hiện tại có 15 thành viên, diện tích khoảng 7ha”.

Tháo gỡ khó khăn

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Rừng Dầu - Lại Văn Hây: “HTX còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do sản phẩm vẫn chưa tìm được doanh nghiệp bao tiêu. Bên cạnh đó, nguồn vốn lớn nên nông dân chưa đầu tư nhiều, chưa mặn mà nên việc vận động tham gia vào HTX để hình thành chuỗi liên kết còn gặp khó. Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng gây nhiều áp lực vì đa số những thành viên HTX đều lớn tuổi nên tiếp cận quy trình, kỹ thuật còn chậm. Chúng tôi kiến nghị cấp trên cần quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tiếp tục bồi dưỡng thêm kiến thức, chuyên môn. HTX sẽ tiếp tục ƯDCNC vào sản xuất, vận động, tuyên truyền các hộ dân khác tham gia và cố gắng giải quyết bài toán về nhân lực”.

Cần hỗ trợ thêm cho người dân trong việc chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao, nhất là mô hình điểm

Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa - Võ Thanh Quang cho biết: “HTX bước đầu chăn nuôi bò thịt ƯDCNC. Các thành viên tham gia được tập huấn kỹ năng cần thiết, nông dân cũng nhận thức được vai trò, ý nghĩa của chương trình. Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ thay đổi giống bò chất lượng. Một số thành viên bắt đầu mua các thiết bị phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, cần có thời gian mới thấy được hiệu quả từ sản xuất ƯDCNC. Cái khó của HTX hiện nay là chưa xây dựng được phương án hoạt động gắn với thực tế, chưa có trụ sở hoạt động, nguồn vốn lớn nên xã viên chưa mạnh dạn đầu tư, liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo. Trong khả năng của mình, chúng tôi cố gắng khắc phục một số hạn chế. HTX kiến nghị cấp trên cần tiếp tục tập huấn về chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý. Triển khai hiệu quả mô hình điểm, hướng dẫn cách áp dụng gieo tinh nhân tạo, xây dựng chuồng trại và hỗ trợ các chính sách, nhất là vốn”.

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành thông tin: “Chương trình nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Nông dân thay đổi cách làm, hình thành chuỗi liên kết, bắt đầu đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm tạo ra có chất lượng, mang lại lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, đề án trên địa bàn còn gặp khó khăn nhất định: Thị trường, đầu ra của sản phẩm, các chính sách chưa sát thực tế, nguồn vốn lớn nên nhiều hộ dân còn e ngại khi tham gia, chưa có nhiều mô hình điểm để học tập kinh nghiệm,... Huyện đang tập trung nhiều giải pháp, tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông nghiệp ƯDCNC đạt kế hoạch đề ra”./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết