Tiếng Việt | English

14/06/2019 - 15:30

Đức Huệ: Gỡ khó cho nông dân nuôi bò

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo được thương hiệu, từ đầu tháng 6/2017, UBND huyện Đức Huệ, tỉnh Long An ban hành kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). Đây là “cú hích” cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò trên địa bàn huyện.

Đức Huệ phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao

Đức Huệ phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, huyện xây dựng được 4 mô hình điểm tại các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc (đạt 100% kế hoạch); thành lập 1 hợp tác xã (HTX) Tây Hòa (ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc) với 16 thành viên, nuôi 181 con bò, trong đó có 86 con bò sinh sản. Ngoài ra, huyện còn thành lập 10 tổ hợp tác với 145 thành viên, nuôi 897 con bò, trong đó có 563 con bò sinh sản.

Tham gia mô hình điểm, các hộ chăn nuôi đều được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao làm thức ăn cho bò, đồng thời được hướng dẫn nâng cấp và điều chỉnh kết cấu chuồng trại thích hợp quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; được hỗ trợ 21 máy cắt cỏ và 64 máy băm cỏ,... Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hợp đồng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM hỗ trợ xây dựng chuồng trại, kiểm tra sinh sản cho đàn bò bằng máy siêu âm; hỗ trợ 50% kinh phí mua 3 bình nitơ để gieo tinh nhân tạo,...

Đến tháng 4/2019, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình trên 233 triệu đồng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc cho biết: “Qua 2 năm thực hiện chương trình, những hộ dân tham gia thay đổi phương thức chăn nuôi, quan tâm chất lượng con giống. Đặc biệt, những hộ trong mô hình điểm, HTX điểm đều chuyển sang phương pháp gieo tinh nhân tạo”.

Tuy nhiên, nhiều nông dân còn quen với tập quán chăn nuôi nhỏ, lẻ nên khó vận động liên kết, tham gia tổ hợp tác. Người chăn nuôi thu nhập còn thấp trong khi nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình tương đối cao nên một số người còn ngại khi tham gia chương trình... Hiện nay, mặc dù có nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt ƯDCNC hiệu quả nhưng khó nhân rộng vì phần lớn các hộ chăn nuôi còn khó khăn, không đủ vốn đầu tư chuồng trại, con giống, hầm biogas,...

“Hướng tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các ngành chức năng tỉnh tiếp tục hỗ trợ các mô hình điểm, HTX, tổ hợp tác xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi để có đầu ra sản phẩm ổn định; cập nhật thường xuyên hiệu quả từ chăn nuôi bò thịt ƯDCNC để tuyên truyền, vận động người chăn nuôi làm theo; tiến hành gieo tinh nhân tạo cho toàn bộ số bò của các hộ chăn nuôi trong toàn huyện" - ông Phạm Văn Luốc cho biết thêm./.

Như Huỳnh-Tấn Hữu

Chia sẻ bài viết