Tiếng Việt | English

07/06/2017 - 11:29

Đừng chủ quan với bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu (BTĐ) là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh truyền qua đường hô hấp và lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Long An ghi nhận 3 ổ dịch với 83 trường hợp mắc BTĐ.


Biểu hiện của bệnh thủy đậu là xuất hiện tổn thương da cấp tính với các mụn nước, mụn mủ, bọng nước gây cảm giác đau rát. Ảnh: chuathuydau.com

Ý thức phòng bệnh chưa cao

BTĐ lây chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh cũng có thể lây từ những bóng nước bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét khi tiếp xúc với người mắc BTĐ. Đối với phụ nữ đang mang thai nếu không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 83 trường hợp mắc BTĐ tại 3 huyện: Bến Lức, Tân Trụ, Tân Thạnh. Trong đó, Bến Lức là địa phương có ổ dịch lớn nhất với 51 trường hợp mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn tập trung đông dân cư, có nhiều khu đô thị và khu, cụm công nghiệp, công tác phòng, chống BTĐ còn nhiều hạn chế, ý thức của người dân chưa cao.

Chị Nguyễn Thị Kim Dương - công nhân Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam, cho biết: “Một số công nhân chưa hiểu đúng về BTĐ, khi bị bệnh không đến điều trị tại các cơ sở y tế mà chữa tại nhà bằng các phương pháp dân gian. Bên cạnh đó, họ sợ mất ngày công nên dù bị bệnh vẫn đi làm bình thường, nguy cơ lây bệnh sang người khác rất cao”.


Tiêm ngừa là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh thủy đậu

Cần cách ly khi mắc bệnh

Mặc dù, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây ra biến chứng khó lường: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi,... Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Khi mắc BTĐ, người bệnh cần cách ly và sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng, không đến chỗ đông người để tránh lây bệnh cho người khác. Người bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân đúng cách, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, sạch. Đối với trẻ em, nên giữ móng tay trẻ sạch hoặc dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi, gây trầy xước các nốt rạ. Nếu người bệnh có các biểu hiện bất thường: Sốt cao liên tục, co giật, hôn mê,... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời”.

Nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Cách phòng BTĐ đơn giản mà hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc BTĐ trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết