Tiếng Việt | English

08/05/2018 - 14:49

Đừng để người dân “sợ” tái định cư: Bài 2: Nợ dân câu trả lời

Bố trí nền tái định cư (TĐC) để các hộ dân an tâm, ổn định cuộc sống sau khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án. Bên cạnh những khu TÐC được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho người dân sớm an cư, lạc nghiệp, phần lớn khu TĐC trên địa bàn tỉnh tồn tại khá nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, một số hộ “tiến thoái lưỡng nan” khi lỡ dọn vào sống trong khu TĐC.

Khu TĐC của đơn vị Thành Hiếu đã “hành dân” gần chục năm

Khu TĐC của đơn vị Thành Hiếu đã “hành dân” gần chục năm

Hạ tầng “ọp ẹp”, thiếu trước, hụt sau, sổ đỏ bị chủ đầu tư cố tình “treo”... là những bất cập, hạn chế tại nhiều khu TĐC hiện nay. Đó cũng là nguyên nhân làm người dân “sợ” TĐC hoặc một số hộ dọn vào ở thì “tiến thoái lưỡng nan”.

Hành dân

Việc thu hút các dự án đầu tư, công trình phục vụ phát triển KT-XH là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc bố trí TĐC trên địa bàn tỉnh hiện nay tồn tại rất nhiều vấn đề, người dân bị mất nhiều quyền lợi.

Đến xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc - một trong những địa phương có số lượng khu TĐC nằm tốp đầu trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rảo quanh một vòng để ghi nhận tình hình bố trí TĐC nhưng nhận được cái lắc đầu ngao ngán của người dân khi đề cập đến vấn đề này. Người thì mỏi mòn chờ đợi được bố trí nền, một số hộ vào ở đành “ngậm đắng nuốt cay”, vì đi không được, ở cũng chẳng xong. Họ “gõ cửa” cơ quan quản lý nhà nước rất nhiều lần nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tồn tại hàng chục năm, Khu TĐC Thành Hiếu (ấp 2/5, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) do Công ty Cổ phần TM&XD Thành Hiếu làm chủ đầu tư là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực. Chúng tôi tiếp cận khu này không quá khó khăn dù chỉ được người dân hướng dẫn sơ qua. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là một bãi đất rộng bao la, nhà cửa thưa thớt và cảnh quan xung quanh nhếch nhác,… Nếu không tìm hiểu trước, chúng tôi khó có thể tin đây là khu TĐC một thời được người dân chờ đợi.

Khi đề cập đến khu TĐC Thành Hiếu, ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc), nhà ở gần đây lắc đầu: “Đừng nhắc, chúng tôi ngán khu TĐC này lắm rồi. Cả một bãi đất rộng lớn, bỏ hoang gần chục năm, rất phí. Hạ tầng chưa có gì cả, điện không, nước không, đường giao thông thì tệ, các công trình tiện ích phục vụ không có. Nếu tôi không phải dân địa phương thì chẳng thể nào tin đây là khu TĐC bố trí cho người dân ở”.

Theo một số hộ dân ở Khu TĐC Thành Hiếu, hạ tầng đầu tư rất ít nhưng “treo” lâu ngày nên xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. “Ngay cả điện, nước sinh hoạt vẫn phải xài ké của khu TĐC cạnh bên nói gì đến sổ đỏ. Thời gian gần đây, chủ đầu tư dọn dẹp, phát quang nếu không thì lau sậy mọc um tùm, tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết sớm vấn đề này, ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi của người dân” - một hộ dân ở trong khu TĐC Thành Hiếu nói.

Thông tin từ UBND xã Long Hậu, việc bố trí TĐC trên địa bàn chậm, một số khu tồn tại bất cập lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Các sở, ban, ngành có nhiều cuộc làm việc nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến. Riêng khu TĐC Thành Hiếu hạ tầng kém, sổ đỏ hầu như chưa có hộ nào được nhận. Địa phương mong cấp trên giải quyết ổn thỏa để xã có câu trả lời sớm cho người dân.

Được biết, khu TĐC của công ty Thành Hiếu có tổng diện tích gần 21ha, bố trí 125 nền (người dân nhận 121 nền), 26 căn nhà được xây dựng, chưa bàn giao sổ đỏ cho người dân.

Nợ dân câu trả lời

Hạ tầng “ọp ẹp”, thiếu trước hụt sau, sổ đỏ tại một số khu TĐC vẫn là điều xa vời với người dân. Dù khi nhận dự án, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thiện hạ tầng, cơ quan chức năng cấp sổ đỏ xong sẽ giao lại cho người dân trong khu. Vì những mục đích riêng, nhiều vấn đề cam kết trước đó của chủ đầu tư chỉ là lời hứa suông và khất từ năm này sang năm khác, còn ngành chức năng vẫn “loay hoay” tìm cách giải quyết.

Không khác là bao so với khu TĐC của công ty Thành Hiếu, Khu Dân cư nhà vườn (giai đoạn 2 và 3) do Công ty Cổ phần Đầu tư XD và PTHT Phú An làm chủ đầu tư “treo” tại địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức ngót nghét gần chục năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và gây áp lực cho địa phương trong vấn đề quản lý.

Bà Dương Thị Quýnh, ngụ ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, ngán ngẩm: “Gần chục năm dọn vào ở là từng ấy năm chịu khổ. Điện, nước sinh hoạt có nhưng nước bị nhiễm phèn nặng, không dám dùng phải đổi ở bên ngoài. Đường giao thông chỉ rải đá xanh, cỏ mọc um tùm, không có các dịch vụ công cộng khác như công viên, trường học,…Chúng tôi lo lắng về tình hình an ninh, trật tự trong khu vì không có hệ thống đèn chiếu sáng. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân tự bỏ tiền kéo điện chiếu sáng để bảo đảm an ninh, trật tự. Sổ đỏ thì cứ chờ hết năm này sang năm khác chẳng thấy đâu, chẳng thể vay vốn làm ăn. Người dân chúng tôi chỉ chờ câu trả lời từ các cấp lãnh đạo chứ không tin vào lời hứa suông của chủ đầu tư nữa. Ngoài ra, một số hộ nhận nền nhưng sợ tình cảnh giống như chúng tôi đành phải ra ngoài thuê trọ để ở. Người dân ở đây ai nấy cũng đều sợ TĐC”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức - Văn Thị Hồng Nga xác nhận: Trên địa bàn xã hiện có 1 khu dân cư, 1 khu TĐC đều do Công ty Cổ phần Đầu tư XD và PTHT Phú An làm chủ đầu tư. Cả 2 khu này đều “treo” nhiều năm qua, ảnh hướng lớn đến cuộc sống của người dân, gây áp lực đến công tác quản lý của địa phương, nhất là tình hình an ninh, trật tự.

“Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc phản ảnh, xã chỉ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo cấp trên chứ thẩm quyền không đủ để giải quyết. Xã mong lãnh đạo huyện, tỉnh có giải pháp căn cơ để người dân ổn định cuộc sống” - bà Nga nhấn mạnh.

Ngoài 2 khu đề cập trong bài, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khu TĐC có tình trạng tương tự: Khu Dân cư Mỹ Yên (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), Khu Dân cư- TĐC Phước Lý (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc), Khu TĐC An Nhựt Tân (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ), Khu TĐC Hồng Phát (huyện Đức Hòa),…

Gia đình tôi rất ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nên  giao ngay đất  mình đang ở, sản xuất để làm dự án. Tuy nhiên, bao nhiêu năm bố trí vào ở nơi này là bấy nhiêu năm khổ, chúng tôi mất rất nhiều quyền lợi. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng chưa  nhận được câu trả lời thỏa đáng. Lời hứa của chủ đầu tư chúng tôi không nghe nữa. Chúng tôi đề nghị khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án nên xem xét kỹ khả năng tài chính cũng như uy tín của chủ đầu tư để bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống, tránh tình trạng “bị hành” như bây giờ”.

Ông Phan Thành Thảo,  Khu Dân cư nhà vườn (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức)

Bài 3: Để tái định cư đúng nghĩa

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích