Tiếng Việt | English

14/09/2015 - 14:32

Đừng để “trăm dâu đổ đầu tằm”!

Tỉnh Long An nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên ưu đãi cùng sự năng động của nông dân nên Long An có nhiều mặt hàng nông sản. Các sản phẩm như: Lúa gạo, đậu phộng, thanh long, khóm, chanh, khoai mỡ, mía, rau màu,... của Long An vốn nổi tiếng trên thị trường.


Nông dân luôn lo lắng về đầu ra cho nông sản

Tuy nhiên, cứ đến mùa thu hoạch thì điệp khúc “được mùa, rớt giá” lại vang lên. Đây không chỉ là nỗi lo của nông dân mà còn là mối quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Bên cạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn khoa học-kỹ thuật, tỉnh còn tập trung xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để giải quyết đầu ra nông sản, phục vụ nông nghiệp, nông dân. Chăm lo tiêu thụ nông sản chính là làm công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Trong bộn bề nỗi lo về đầu ra cho nông sản, chắc chắn sẽ không thiếu tình trạng bị tư thương ép giá. Có một thực tế đau lòng rằng, nông dân phải đầu tư vốn liếng, đất đai, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chấp nhận may rủi để làm ra hạt lúa, củ khoai, cây trái, con gà, con cá lại phó mặc thành quả lao động cho tư thương quyết định. Trong khi đó, cả một hệ thống trung gian như: Lái vườn, lái vựa, lái chợ đầu mối, tiểu thương,... cùng chia sẻ đồng lời, làm cho sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng phải đội giá gấp đôi, gấp ba lần giá gốc. Ở chiều ngược lại, khi nông dân trong vai trò người tiêu dùng lại phải trả giá cao để mua các sản phẩm này. Nghịch lý này đã tồn tại từ rất lâu mà chưa ai có thể giúp nông dân giải quyết rốt ráo.

“Phi thương bất phú”, điều này đã được khẳng định từ lâu đời. Mặt khác, nghề nào cũng có những vất vả, lo toan riêng của nó. Thế nhưng, quả là bất công khi hàng hóa, sản phẩm của nông dân tham gia thị trường với giá cả đầu vào ngày càng tăng vì giá vật tư nông nghiệp, nhân công tăng mà giá nông sản lại giảm làm nông dân lỗ lã và bất lực. Còn người tiêu dùng cũng bị móc túi một cách không thương tiếc vì các khâu trung gian.

Đã đến lúc các ngành chức năng cần nghiên cứu tìm biện pháp giải quyết tình trạng bất công này. Khâu nào công tác quản lý còn bỏ ngỏ, chưa đề cập đến hoặc không phù hợp, lạc hậu thì đề xuất, bổ sung, hoàn chỉnh, góp phần lành mạnh hóa thị trường, chống gian lận thương mại. Câu chuyện liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) cũng nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân vừa tăng năng suất, sản lượng, vừa bán được giá, tránh bị ép giá là một hướng đi tốt nhưng còn quá ít, cần nhân rộng.

Đừng để nông dân bị thiệt đơn, thiệt kép!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết