Tiếng Việt | English

05/10/2019 - 13:03

Đừng đùa giỡn với tính mạng của mình

Tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các trường học. Tuy nhiên, một số học sinh, sinh viên (HSSV) vẫn chưa nắm rõ và tuân thủ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hoặc hiểu các quy định nhưng cố tình vi phạm, do đó, tình trạng HS điều khiển xe môtô, xe gắn máy không đúng quy định khi chưa đủ tuổi vẫn còn.

Các trường quản lý nghiêm việc học sinh đội nón bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, gắn máy, môtô

Các trường quản lý nghiêm việc học sinh đội nón bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, gắn máy, môtô

Giúp học sinh hiểu về an toàn giao thông

Đầu năm học, các trường bắt tay vào công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT. Theo đó, mỗi trường lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp với nội dung phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT, quy tắc ứng xử giao thông, văn hóa giao thông.

Ngay đầu năm học, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) xây dựng kế hoạch tuyên truyền về ATGT trong tiết sinh hoạt dưới cờ với những nội dung gần gũi, quan trọng mà HS cần nắm khi tham gia giao thông, trong đó, chú trọng quy định độ tuổi sử dụng xe môtô, xe gắn máy, đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, ý nghĩa các biển báo giao thông, đặc biệt là xây dựng văn hóa giao thông học đường.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ - Đặng Thị Bích Loan cho biết: “Mục đích lớn nhất của việc tuyên truyền về ATGT trong học đường là giúp HS nắm rõ Luật GTĐB và hình thành ý thức tốt khi tham gia giao thông. Từ đó, các em tự bảo vệ mình và giảm thiểu các rủi ro do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên nhắc nhở về thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông. Đó cũng là cách rèn luyện đạo đức, nhân cách HS”.

Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn mời Cảnh sát giao thông huyện đến trường tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho HS. Từ đó, các em nắm được tình hình ATGT trên địa bàn, những vấn đề cần lưu ý khi tham gia giao thông, các địa điểm thường dễ xảy ra TNGT. Ngoài ra, HS còn được nghe những câu chuyện thực tế, hình ảnh về TNGT do những lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Đó là những bài học giúp cảnh tỉnh HS vi phạm quy định về ATGT.

Nguyễn Thị Thu Ngân - HS lớp 10A11, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, chia sẻ: “Khi nghe những câu chuyện thực tế về TNGT, chúng em càng ý thức hơn việc chấp hành Luật GTĐB. Đó là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Theo em, xem nhẹ việc đội nón bảo hiểm hay đùa giỡn khi tham gia giao thông đồng nghĩa với việc xem nhẹ tính mạng của mình”.

Không chỉ dừng lại ở đó, các bài học về ATGT cũng được thường xuyên lồng ghép trong các tiết học, buổi sinh hoạt ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, chương trình phát thanh tại các trường. Các trường tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm về trật tự, ATGT. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Phòng ATGT, Sở Giao thông Vận tải và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức Hội thi tuyên truyền về giao thông cấp tỉnh dành cho HS cấp tiểu học và Hội thi “Thiếu niên với ATGT” cấp tỉnh dành cho HS cấp THCS. Tất cả hoạt động đó nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT trong tập thể nhà trường, đặc biệt là HS, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm các quy định về trật tự, ATGT và TNGT trong ngành giáo dục.

Quản lý chặt học sinh sử dụng xe môtô, gắn máy

Sau khi đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về ATGT, các trường quản lý chặt việc sử dụng xe môtô, gắn máy trong HS. Trường THPT Tân Trụ (huyện Tân Trụ) quy định rõ, HS lớp 10 không được phép sử dụng xe môtô, gắn máy. Riêng HS lớp 11, 12 chỉ được phép sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3.

Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trụ - Hoàng Xuân Cường thông tin: “Đầu năm học, trường tiến hành lấy thông tin về phương tiện đi lại của HS. Theo đó, những HS đăng ký đi xe gắn máy phải là HS lớp 11, 12 và xe đúng với độ tuổi HS được phép sử dụng. Trường khuyến khích phụ huynh và HS về việc gửi xe trong trường học để tiết kiệm chi phí và thuận lợi trong việc quản lý HS”.

Ngoài việc mời Công an huyện, thị trấn đến tuyên truyền, giáo dục về ATGT, trường còn phối hợp vận động các hàng quán trước cổng trường không nhận giữ xe của HS. Đồng thời, Công an huyện, thị trấn cũng tăng cường tuần tra vào các giờ cao điểm HS đi lại và xử lý những trường hợp vi phạm.

Thầy Cường thông tin thêm: “Nhờ sự hỗ trợ của Công an huyện, thị trấn, trường quản lý chặt vấn đề sử dụng xe môtô, gắn máy của HS nên tình trạng vi phạm giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số HS lén sử dụng xe máy trên 50cm3 và gửi xe ở bên ngoài. Thời gian tới, trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về ATGT và xử lý những trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các em, đặc biệt là hình thành ý thức tốt khi tham gia giao thông”.
Ngoài ra, để quản lý việc sử dụng xe môtô, gắn máy, nhiều trường còn thành lập các nhóm ATGT tại lớp, câu lạc bộ ATGT, đội xung kích ATGT để HSSV được quản lý nghiêm và có ý thức trong chấp hành Luật GTĐB. Tuy các trường có sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT nhưng vẫn còn nhiều trường hợp HSSV vi phạm Luật GTĐB. Không ít HSSV điều khiển xe môtô, gắn máy khi chưa có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi.

Học sinh lớp 10 không đi xe môtô, gắn máy

Học sinh lớp 10 không đi xe môtô, gắn máy

Năm 2018, toàn tỉnh có 25 trường hợp HS vi phạm ATGT (tăng 6 trường hợp so với năm 2017); 28 vụ TNGT đối với HSSV, trong đó 25 người bị thương, 5 người chết. Nguyên nhân, HS chưa đủ tuổi nhưng phụ huynh vẫn giao xe cho con em điều khiển; khi đi xe môtô, gắn máy, đạp điện, HS không đội nón bảo hiểm.

Có thể thấy, những trường hợp bị TNGT chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là ý thức chấp hành Luật GTĐB chưa tốt dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trong đó, quản lý HSSV sử dụng xe môtô, gắn máy là một trong những vấn đề quan trọng. Do đó, các trường cần tăng cường công tác này, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng các em./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết