Tiếng Việt | English

26/09/2015 - 19:39

Đừng ném đá “nịnh” tội nghiệp


GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp thay mặt Học viện Khoa học xã hội tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ. Ảnh: Internet

Trên mạng xã hội xuất hiện trận “mưa đá” về lễ bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Thật tội nghiệp cho vị nữ nghiên cứu sinh, làm khoa học cũng bị ném đá chỉ vì cái đề tài mà nhiều người thấy… ghét.

Họ ghét vì cho rằng, cái chuyện nịnh mà cũng làm tiến sĩ. Hành vi nịnh trong tiếng Việt hay tiếng nước nào chẳng có, việc chi mà phải làm tới tiến sĩ cho tốn cơm tốn gạo. Chưa kể, có người hung hăng phê phán vì như vậy là đề cao cái sự nịnh, cho “nịnh” lên ngôi, dè bỉu nhà khoa học là “tiến sĩ nịnh”. “Đá” cứ ném và người ta cứ tham gia rất vui vẻ. Có điều, trong những người chửi đề tài khoa học đó, không có ai đọc công trình nghiên cứu của nữ tiến sĩ ngôn ngữ học.

Không đọc bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết, mới chỉ đọc tựa đề mà đã khen chê hay dở, thậm chí mắng chửi, liệu có công bằng không. Ở đây là một công trình nghiên cứu ngôn ngữ học cấp tiến sĩ, đâu phải dễ đọc, nếu có đọc cũng phải có chuyên môn mới hiểu. Bởi vì, đọc và hiểu được bất cứ luận án tiến sĩ nào, người đọc phải trang bị kiến thức chuyên ngành đó một cách có hệ thống. Người viết bài này chưa đọc luận án tiến sĩ “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, cũng tin rằng nếu có đọc cũng không lĩnh hội được, nhưng dứt khoát tôn trọng công trình nghiên cứu này.

Hãy nghe GS - TS ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp nói: “Để hiểu giá trị của luận án nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt, cần hiểu lý thuyết hành động ngôn từ (speech act) do J.L. Austin (một nhà triết học ngôn ngữ) khởi xướng vào những năm 50. Sau khi ông mất, học trò đã in bài giảng của ông thành sách, cuốn “How to do things with words” (tạm dịch là: Nói là hành động) tập hợp một số bài giảng của ông tại Đại học Harvard (Mỹ). Với lý thuyết này, Austin đã thấy được bản chất xã hội và khía cạnh liên nhân (interpersonal) của các phát ngôn: Khi ta nói là ta đã thực hiện một hành động bằng lời, và phát ngôn sẽ có những dấu hiệu tường minh và nguyên cấp để biểu thị lực ngôn trung của phát ngôn, hay ý nghĩa đích thực của phát ngôn”.

Thế thì “nịnh” có dễ hiểu như chúng ta tưởng không?

Người ta dị ứng với từ “nịnh”, nhưng thử hỏi có mấy ai không thích nịnh? Cho dù muốn hay không muốn, hành vi nịnh cũng tồn tại trong xã hội, và cái gì tồn tại trong xã hội thì cái đó được quy định bằng một từ hoặc nhiều từ. Hành vi nịnh thể hiện qua nhiều ngôn từ, mỗi giai đoạn phát sinh cách nịnh khác nhau, từ vựng mới sinh ra, nghiên cứu là việc phải làm.

Luận án trên thuộc về lĩnh vực ngôn ngữ học, và còn nữa, đã có, sẽ có nhiều luận án tiến sĩ tâm lý học, xã hội học về hành vi nịnh, lúc đó chắc không đủ đá để mà ném./.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết