Tiếng Việt | English

13/02/2017 - 19:58

Đừng xem thường bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu (còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng có tên khoa học Varicella Zoster gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều khi thời tiết thay đổi.

Bệnh thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nghiêm trọng với người lớn và có thể gây ra những biến chứng nặng.

Biểu hiện của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu xuất hiện khoảng 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện là nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân.

Mụn nước có đường kính từ 1 - 3 mm, chứa dịch trong, xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Những trường hợp nặng thì mụn nước sẽ to hơn hay khi bị nhiễm thêm vi trùng thì mụn nước sẽ có màu đục do hóa mủ.

Bên cạnh mụn nước, ở trẻ nhỏ thường kèm theo sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn thường kèm theo sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói.


Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng. Ảnh: Soha.vn

Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần rồi bong vảy, gây thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng thì mụn nước có thể để lại sẹo.

Ban ngứa là dấu hiệu đầu tiên của bệnh và sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi là điều thông thường, mỗi người bị nhiễm bệnh có thể bị từ vài mụn nước cho đến hơn 500 mụn nước trên toàn thân.

Con đường lây nhiễm bệnh

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và rất dễ lây lan qua sự tiếp xúc với ban ngứa từ người bị thủy đậu hoặc lây qua đường hô hấp từ những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm khi hắt hơi hoặc ho.

Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường bị nhiễm chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Bệnh có thể lây trong khoảng 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy, thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết phồng nổi lên. Khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu trong gia đình thì sẽ bị nếu tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh.

Biến chứng của bệnh

Mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính nhưng gây ra rất nhiều biến chứng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nếu nặng hơn khi vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng máu. Các biến chứng nặng như: Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng hay để lại di chứng sau này.

Đặc biệt, sau khi đã khỏi bệnh, siêu vi trùng thuỷ đậu vẫn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt trong nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20 hay 30 năm sau. Khi điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém thì siêu vi trùng sẽ tái hoạt động và gây ra bệnh Zona (còn gọi là giời leo).

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, vi-rút sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh,... Còn nếu bị bệnh trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ sẽ bị bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Biện pháp phòng và điều trị bệnh

Để xử trí bệnh thủy đậu cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

-Cách ly ngay người bệnh cho đến khi các nốt thủy đậu đã đóng vảy.

-Giữ vệ sinh thân thể bằng cách tắm rửa hàng ngày với loại xà phòng sát trùng.

-Ăn uống tăng cường chất bổ để tạo sức đề kháng cho cơ thể.

-Cắt ngắn móng tay, tránh gãi vào các mụn nước.

-Bôi hoặc uống các thuốc chống ngứa.

-Khi người bệnh sốt cao, cần hạ sốt nhưng không được dùng Aspirin.

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, hiện nay vắc-xin chống thủy đậu vẫn có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể, được áp dụng đối với các đối tượng sau:

-Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

-Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.

-Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.

Nếu đã được chủng ngừa vắc-xin thủy đậu thì khoảng 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.

Vì thời gian ủ bệnh thủy đậu từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với người bệnh, do đó nếu người chưa được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu mà có tiếp xúc với người bệnh thì trong vòng 3 ngày có thể tiêm ngừa, vắc-xin vẫn có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu./.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết