Tiếng Việt | English

15/12/2016 - 05:35

Duy trì áp lực cạnh tranh doanh nghiệp mới lớn lên được

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải được duy trì áp lực cạnh tranh trong nước và quốc tế mới có thể tồn tại và phát triển.

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”.


Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”

Trong 20 năm qua (1996-2015), với việc gia nhập ASEAN, Tổ chức thương mại quốc tế WTO, các Hiệp định thương mại tự do, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, quy mô xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam không ngừng gia tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, giành được thứ hạng cao về sản lượng xuất khẩu và chinh phục thành công những thị trường khó tính trên thế giới như: hồ tiêu, điều, cà phê, gạo, chè….

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua chưa thực sự vững chắc. Hầu hết chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dù đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, trong giai đoạn 2016-2025 Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các quá trình hợp tác khu vực và thế giới.

Do đó cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải điều chỉnh lại tầm nhìn, tư duy kinh doanh và cách ứng xử của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới; cần sớm bỏ tư duy manh mún, chộp giật để xây dựng một định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế, chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên mọi phân khúc thị trường.

Thương mại trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của đất nước nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, luôn có tốc độ tăng trưởng cao. Có những thời kỳ gấp 2 lần thậm chí có thời kỳ gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

“Hoạt động xuất nhập khẩu luôn là một điểm sáng. Tuy nhiên chúng ta đang gặp phải sự cạnh tranh rất gay gắt, chính sự cạnh tranh này lại thúc đẩy cho Việt Nam phát triển tốt hơn. Tôi cho rằng, cạnh tranh không có gì xấu, cần phải duy trì áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế, trên thị trường nội địa thì mới có thể lớn lên được”, ông Thắng chỉ rõ./.

Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết