Tiếng Việt | English

04/05/2018 - 15:30

Em không còn nước mắt để khóc!

Những ngày qua, em Trần Thị Hồng Thắm - học sinh lớp 12, Trường THPT Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An không còn nước mắt để khóc. Em vừa trải qua biến cố lớn, bi kịch của gia đình khi cả cha lẫn mẹ qua đời sau một vụ tai nạn giao thông.

Những ngày qua, trong căn nhà tạm bợ ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, có nhiều người đến chia buồn, động viên Thắm khi biết tin cha, mẹ em mất trong vụ tai nạn giao thông trên QL1, trong đó có nhiều người chưa từng quen biết gia đình em.

“Biến cố quá lớn của gia đình! Hoàn cảnh đã nghèo lại gặp phải tai họa. Nỗi đau quá lớn, biết bao giờ mới nguôi ngoai được. Tội nghiệp con bé, giờ chỉ còn lại một mình trong căn nhà tạm bợ...”, đó là những lời tâm sự của những người hàng xóm khi chúng tôi hỏi thăm về trường hợp của em Thắm.

Một góc căn nhà tạm bợ của em Thắm

Một góc căn nhà tạm bợ của em Thắm

Trong ngôi nhà vách lá, mái tole, nền đất nứt nẻ, trống trước, trống sau, dựng trên đất mượn của người cô, Thắm liên tiếp lo hai cái tang cha và mẹ chỉ trong vòng nửa tuần. Dường như, cú sốc quá lớn đã làm Thắm không còn sức lực. Mặt em bơ phờ, đôi mắt thâm quầng, giọng nói yếu ớt.

“Cha mẹ ơi, sao bỏ con đi? Bây giờ chỉ còn lại mình con, con biết phải làm sao? Cha ơi, mẹ ơi!” - Thắm khóc òa trong sự tuyệt vọng. Nhiều người không kìm được những giọt nước mắt và nhói lòng với “cú sốc”, mất mát quá lớn của Thắm.

Biết được hoàn cảnh em, những ngày qua, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm tìm đến tận nhà thắp nén nhang cho người đã khuất và giúp đỡ Thắm lo tang sự. Trong đó, một chị tên Thảo làm việc trong một khu công nghiệp, không quen biết với gia đình đã đến trao tận tay Thắm 13 triệu đồng. Có người cũng ngỏ ý, sau này giúp đỡ Thắm việc làm để có nguồn thu nhập lo cho cuộc sống.

Thầy cô, bạn bè Trường THPT Thủ Thừa những ngày qua cũng luôn có mặt an ủi, động viên Thắm vượt qua nỗi đau để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp đến, kế đó là con đường vào đại học. Thế nhưng, với hoàn cảnh này, không biết Thắm có thể “đứng lên” bước tiếp trên con đường học vấn hay không?

Trước đó, khoảng 23 giờ 30, ngày 24/4, cha mẹ Thắm là ông Trần Phước Xem (SN 1961) và bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1955) di chuyển bằng xe máy trên QL1 hướng TP.Tân An về huyện Bến Lức. Đến địa phận ấp 6, xã Nhị Thành, rẽ trái qua đường để về nhà thì bị xe ôtô tải biển số 65C-089.49 đang lưu thông cùng chiều phía sau tông trúng. Do đa chấn thương, ông Xem tử vong tại chỗ, bà Nguyệt được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu.

Sau vụ tai nạn, Thắm vừa phải lo đám tang cho cha, vừa phải lo lắng cho mẹ đang cấp cứu tại bệnh viện. Ngồi bên quan tài, em khóc cha nhưng vẫn luôn cầu nguyện mẹ khỏe lại, trở về với em. Thế nhưng, hy vọng của cô nữ sinh cuối cấp 3 vụt tắt. Sau 4 ngày cấp cứu tại bệnh viện, mẹ em đã trút hơi thở cuối cùng. Bây giờ trong căn nhà tạm bợ, chỉ còn lại mình Thắm bơ vơ với nỗi đau, buồn vô tận. Mỗi lần nhìn di ảnh cha, mẹ trên bàn thờ, nước mắt em cứ lăn dài trên má.

Em Trần Thị Hồng Thắm thất thần trước cái chết của cha, mẹ

Em Trần Thị Hồng Thắm thất thần trước cái chết của cha, mẹ

Theo người dân, ông Xem tính tình rất thật thà, công việc hàng ngày là lao động phổ thông và chăn nuôi để tạo thêm thu nhập. Bà Nguyệt, sáng bán cá ở chợ Cầu Voi, chiều tranh thủ xuống chợ phường 2, TP.Tân An, bán thêm nên cứ tầm 22-23 giờ, ông Xem chạy xe máy rước bà về. Không chỉ chở vợ, ông còn chở thêm thức ăn thừa ở các quán đem về chăn nuôi, đây cũng là nguồn tăng thu nhập nuôi con gái học hành. Thế nhưng ai ngờ, trên đường trở về nhà lần này, vợ chồng gặp tai nạn, tử vong.

Nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông” trong chốc lát làm Thắm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian sẽ trôi qua, nhưng không biết đến bao giờ, Thắm mới nguôi ngoai nỗi đau này. Con đường phía trước của em còn rất nhiều khó khăn./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết