Tiếng Việt | English

24/02/2018 - 23:40

EU chia rẽ sâu sắc trong vấn đề đóng góp ngân sách hậu Brexit

Vấn đề đóng góp để bù vào khoản ngân sách thiếu hụt khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đang gây ra sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu diễn ra hôm qua (23/02) tại Brussels, Bỉ thảo luận về vấn đề ngân sách sau khi Anh rời khỏi khối (Brexit) cũng như thúc đẩy kế hoạch giúp giải quyết các thách thức mà EU đang phải đối mặt. Tuy nhiên vấn đề đóng góp để bù vào khoản ngân sách thiếu hụt khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đang gây ra sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.

Ảnh minh họa: Reuters

Kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần nghìn tỉ euro cho thời hạn 7 năm sẽ kết thúc vào năm 2020. Các nhà lãnh đạo đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp từ năm 2021.

Một trong những nội dung chính trong hội nghị là làm thế nào để giải quyết khoảng trống lên đến 15 tỉ euro/ năm trong ngân sách của khối do việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Tuy nhiên nhiệm vụ lấp khoảng trống về tài chính do Brexit để lại có nguy cơ gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các quốc gia thành viên EU.

Câu hỏi đặt ra là các nước nên đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của khối hay cắt giảm một số chương trình cụ thể.  Ủy ban châu Âu kêu gọi mức đóng góp cần tăng lên tới 1,1 hoặc 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với 1%  của giai đoạn 2014-2020.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, tăng đóng góp ngân sách cho EU là cần thiết để thực hiện các chính sách có định hướng cho tương lai của EU.

“Liên minh châu Âu đang có nhiều ưu tiên, chính sách cũng như định hướng mới cho tương lai. Tuy nhiên để thực hiện các kế hoạch này thì các nước thành viên sẽ phải lựa chọn: Một là phải giảm một số chương trình, hoặc phải đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của khối", ông Juncker nói.

Cũng có một số đề xuất sẽ cắt giảm quỹ cho nông nghiệp nhưng điều này sẽ vấp phải sự phản đối của nông dân Pháp, hay cắt giảm hỗ trợ cho các nước nghèo hơn- điều mà các quốc gia Đông Âu sẽ phản đối mạnh mẽ.

Theo các quan chức châu Âu, hiện có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, nghĩa là vẫn còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối. Trong khi Đức, Tây Ban Nha và Pháp cho biết sẵn sàng chi thêm, thì các nước đóng góp khác là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo lại phản đối.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuyên bố nước này không muốn gia tăng các khoản gánh nặng đóng góp ngân sách: “Điều chúng tôi không muốn là gánh nặng quá lớn vào đóng góp ngân sách của khối. Thực tế là khoản đóng góp ngân sách hiện đã rất nặng nề đối với chúng tôi”.

Với những bất đồng này các quan chức châu Âu nhận định sẽ không có thỏa thuận về ngân sách được đưa ra trước các cuộc  bầu cử châu Âu vào năm 2019.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo cũng thống nhất một số vấn đề như tăng cường chi tiêu nhiều hơn để ngăn chặn làn sóng di cư, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các nước cũng ủng hộ ý tưởng về cơ cấu của nghị viện châu Âu sau năm 2019. Theo đó, số nước thành viên EU giảm thì số ghế nghị sĩ cũng giảm, cụ thể số lượng đại biểu của Nghị viện châu Âu sẽ giảm từ 751 xuống còn 705.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh EU đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, bên cạnh những thách thức và sức ép từ bên ngoài, đặc biệt khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh chính thức EU  diễn ra vào các ngày 22-23/3 tới là cơ hội để EU trình bày dự thảo các phương hướng về tương lai quan hệ với Anh  cũng như đưa ra giải pháp cho những thách thức mà khối đang đối mặt./.

Phạm Hà/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích