Tiếng Việt | English

19/07/2017 - 20:00

EVN được quyền tăng giá điện: Lưu ý biên độ và thời gian

Biên độ và thời gian điều chỉnh giá điện cần được xem xét vì EVN có thể tăng giá điện thường xuyên trong biên độ cho phép 3%.

Từ ngày 15/8 tới đây, được sự đồng ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được quyền quyết định tăng-giảm giá điện. Thay vì được điều chỉnh giá điện trong phạm vi 7% như trước đây, nay nếu các chi phí đầu vào tăng, EVN được tự chủ tăng giá từ 3-5%, sau đó báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính giám sát.

Cơ chế mới được cho là một bước tiến phù hợp với Luật Điện lực, nhằm quản lý giá điện lên xuống một cách công khai minh bạch theo cơ chế thị trường.

Theo quyết định này, các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%.


Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%. (Ảnh minh họa: KT)

Sau khi tăng giá, EVN chỉ cần lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát mà không cần báo cáo với các cơ quan quản lý Nhà nước như trước. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, quyền quyết định tăng giá thuộc về Bộ Công Thương.

Còn nếu giá điện bình quân tăng 10% trở lên so với giá hiện hành thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng dựa trên phương án do EVN trình và Bộ Công Thương thẩm định.

Tăng giá điện là để tăng lợi ích và tạo động lực cho ngành điện mở rộng đầu tư. Với mức tăng bình quân từ 12% - 14% phụ tải điện hiện nay, điện năng thật sự là một thị trường hấp dẫn để xã hội hóa đầu tư và đẩy nhanh lộ trình phát điện cạnh tranh và cũng là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu, nâng cao hiệu quả phát triển ngành điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh giá điện là để phù hợp với thực tế hiện nay. Cơ chế mới này được cho là một bước tiến phù hợp với Luật Điện lực giúp cho việc quản lý giá điện lên xuống một cách công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường.

Nếu chi phí đầu vào cao thì có thể tăng giá điện, ngược lại nếu chi phí đầu vào thấp thì phải giảm giá bán điện để đảm bảo sự công bằng cho người mua. Trong lần điều chỉnh này, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu rất cao trong việc kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch vấn đề tăng giá điện.

“Một trong những điều kiện tăng giá điện là phải xem xét nằm ở trong khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định, điểm thứ hai là nằm ở mức theo quy định Quyết định 24 mà EVN được phép điều chỉnh từ 3-5%. Điểm thứ ba là phải xem xét sự ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Trong trường hợp việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước, Bộ Tài chính-Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định trước khi điều chỉnh tăng giá điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo các chuyên gia trong ngành điện, việc EVN được quyền tăng giá từ 3-5% trở lên sẽ làm cho giá điện được điều chỉnh linh hoạt. Tuy nhiên, cần lưu ý đến biên độ và thời gian điều chỉnh giá điện, bởi với cơ chế giá này, EVN có thể tăng giá điện thường xuyên trong biên độ cho phép là 3%, sẽ gây bất ổn cho thị trường.

Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, với cơ chế tự chủ mạnh hơn, EVN phải hết sức thận trọng trong việc tăng giá và có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn mới đảm bảo kinh doanh bền vững. Bởi, việc tăng giá điện không chỉ tác động lớn đến tâm lý người dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế.

“Không phải là EVN tự ý tăng giá muốn nâng lúc nào thì nâng, nếu mà rơi vào biên độ và khoảng thời gian cho phép, EVN sau đó vẫn phải giải trình vì sao phải nâng giá, nguyên nhân… Chẳng hạn như biến động nào của các thông số đầu vào của giá điện phải được giải trình một cách rõ ràng. Nếu cơ quan chức năng thấy giải trình đó không hợp lý, người ta có thể dừng và hủy quyết định tăng giá điện của EVN”, GS. Trần Đình Long nêu rõ.

Điện lực có vai trò quan trọng, vừa trực tiếp phục vụ đời sống của người dân, vừa là yếu tố chi phí đầu vào ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng khác. Với cơ chế quản lý giá điện mới này, trao cho EVN quyền tự quyết cao hơn nhưng cũng đòi hỏi ngành điện cần thực hiện nghiêm quy định về điều chỉnh giá điện, không lạm dụng trong việc đề xuất tăng giá điện./. 

Theo Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết