Tiếng Việt | English

08/01/2016 - 14:15

Gần 5 triệu bài dự thi tìm hiểu hiến pháp

Cuộc thi "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam" có gần 5 triệu bài dự thi, là cuộc thi có số người tham gia đông nhất từ trước đến nay về pháp luật.

 Hội nghị trực tuyến ngành Tư pháp điểm cầu Long An.

Sáng ngày 8-1-2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) - Uông Chu Lưu; điểm cầu Long An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Bá Phước, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An - Nguyễn Trung Thu.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, điểm nổi bật của hoạt động tư pháp năm 2015 là công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp 2013 được tăng cường dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cuộc thi "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam" có gần 5 triệu bài dự thi, là cuộc thi có số người tham gia đông nhất từ trước đến nay về pháp luật.

Năm 2015, các bộ và cơ quan ngang bộ tham mưu giúp Chính phủ trình QH và Ủy ban Thường vụ QH thông qua và cho ý kiến 26 luật, pháp lệnh và nghị quyết, trong đó có dự án 13 luật quan trọng, góp phần hoàn thiện đảm bảo chất lượng các luật trước khi trình QH.

Riêng Bộ Tư pháp trực tiếp tham gia xây dựng 3 luật, bộ luật quan trọng và lần đầu tiên trong vòng một năm đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về 2 Bộ luật quan trọng là Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đặc biệt, QH đã thông qua luật quan trọng là luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được gọi là "luật về làm luật".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được phát biểu ý kiến.

Trong năm, ước tính toàn ngành Tư pháp thẩm định 9.529 văn bản QPPL. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thẩm định trên 45.000 dự thảo văn bản QPPL. Toàn ngành kiểm tra theo thẩm quyền 42.357 văn bản QPPL, qua đó phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái nội dung và thẩm quyền ban hành.

Toàn ngành rà soát 76.453 văn bản QPPL, qua đó công bố danh mục các văn bản QPPL đã hết hiệu lực pháp luật, giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu,… 

Cả nước đã tổ chức 1.597.892 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 80 triệu lượt người nghe, tổ chức 15.585 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật của công dân. 

Toàn ngành Tư pháp hiện có 762.794 hòa giải viên cơ sở, năm 2015, hòa giải thành 143.665 vụ việc, đạt 78,22%,...

Các Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện hơn 140.000 vụ việc pháp luật cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, góp phần bảo đảm pháp chế XHCN. Việc xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp bước đầu tạo kết quả khả quan.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được đóng góp ý kiến: Thời gian qua, một số bộ, ngành Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai các luật chuyên ngành, do đó khi địa phương ban hành các văn bản QPPL để giải quyết những vướng mắc thì gặp khó khăn vì không có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai thực hiện.

Vì vậy, UBND tỉnh Long An kiến nghị: Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ hoặc có đề xuất, hướng dẫn cụ thể về công tác pháp chế.

Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn các nội dung trong Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản QPPL khi luật có hiệu lực thi hành.

Sớm công bố các TTHC kịp thời theo quy định, phối hợp Bộ Tài nguyên-Môi trường xem xét lại về thời gian giải quyết các TTHC trên lĩnh vực đất đai theo hướng quy định rõ thời gian giải quyết TTHC là "ngày làm việc" vì hiện nay theo "ngày" thì địa phương không giải quyết kịp thời gian.

Bộ Tư pháp sớm thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020 để địa phương triển khai thực hiện./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết