Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 13:28

Gắn kết để phát triển

Long An cần gắn kết chặt chẽ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ tạo thuận lợi phát triển KT-XH của tỉnh mà còn phát huy những tiềm năng, lợi thế, nâng sức cạnh tranh hàng hóa; phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH), ổn định cuộc sống của người dân trong vùng.

Thuận lợi kết nối

Long An vừa thuộc ĐBSCL, vừa nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị thế địa lý đặc biệt, Long An trở thành trung tâm kết nối ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam bộ bằng hệ thống giao thông cả thủy lẫn bộ, nhất là đường bộ: Trục hành lang Quốc lộ (QL) 1; đường cao tốc nối TP.HCM - trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh phía Nam qua Long An với TP.Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL.

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng (Trong ảnh: Đường tỉnh 819 đưa vào sử dụng kết nối tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp))

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng (Trong ảnh: Đường tỉnh 819 đưa vào sử dụng kết nối tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp))

Trong tỉnh, Long An kết nối trọn vẹn hệ thống giao thông thủy, bộ từ cửa khẩu quốc tế đến cảng quốc tế với các trục hành lang QL62 qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp kết nối vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang); trục hành lang kinh tế - đô thị quốc gia QL50 nối TP.HCM với vùng công nghiệp cảng Long An (Cần Giuộc) và tỉnh Tiền Giang; trục Đường tỉnh 830 kết nối QLN2 với QL1, QL50 và Cảng Quốc tế Long An; Đường tỉnh 819 đưa vào sử dụng cũng phát huy hiệu quả tích cực trong kết nối vùng;... hành lang kinh tế đường thủy quốc gia với hệ thống giao thông thủy như các sông Soài Rạp, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc kết nối TP.HCM với toàn vùng.

Long An được nhìn nhận với vị trí địa lý quan trọng trong mối quan hệ nội vùng, ngoại vùng và quốc tế. Xu hướng phát triển hội nhập như hiện nay, các hoạt động liên kết không chỉ nội vùng mà còn phát triển theo hướng liên vùng giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ (ĐBSCL) là tất yếu, vai trò trung tâm trong kết nối giao thông, kho vận, dịch vụ logistic, công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, Long An bắt đầu khai thác một phần vai trò là cầu nối giữa TP.HCM - đối tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của ĐBSCL với các tỉnh, thành trong vùng - vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở phía Nam.

Phát huy lợi thế

Để hòa nhập, tham gia thúc đẩy kinh tế toàn vùng, tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xác định hai trục phát triển mang tính chiến lược của tỉnh, đồng thời là chiến lược phát huy lợi thế của tỉnh trong kết nối toàn Nam bộ. Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và quy hoạch vùng TP.HCM, tỉnh bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh tham gia thực hiện các chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM, TP.Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL trên các lĩnh vực có điều kiện: Kết nối hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, thương mại, du lịch, môi trường, khoa học và công nghệ,...

Long An phối hợp tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững - tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án được hình thành dựa trên liên kết không gian 3 tỉnh có cùng hệ sinh thái đất ngập nước gồm các nội dung chính: Tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản chung của Đồng Tháp Mười bên cạnh những thương hiệu nông sản riêng của từng tỉnh; liên kết để quản lý tài nguyên nước; liên kết về kết cấu hạ tầng; liên kết phát triển du lịch,... nhằm phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái ngập nước để tạo nền tảng, điều kiện gắn kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười với TP.HCM.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư 2 công trình trọng điểm là trục kết nối QLN2 đến Cảng Quốc tế Long An (Đường tỉnh 830) và trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM (TP.HCM - Long An - Tiền Giang). Đây là 2 trục giao thông - đô thị - công nghiệp chiến lược trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, đưa tiềm năng, lợi thế của vùng ra
bên ngoài.

Cùng đồng bằng phòng, chống biến đổi khí hậu

ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức lớn do BĐKH và Long An cũng không nằm ngoài vấn đề này. Lượng mưa, nhiệt độ trung bình năm của tỉnh đều có xu hướng tăng dần qua các năm; mưa nhiều, mưa trái mùa gây ngập úng; sâu, bệnh diễn biến phức tạp; mực nước ngầm hạ thấp; ngập lụt, xâm nhập mặn diễn ra khá phức tạp;... tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến sinh kế và đời sống, gây nhiều khó khăn cho phát triển KT-XH của tỉnh. Phần lớn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Tân Hưng, Thạnh Hóa, một phần các huyện giáp sông Vàm Cỏ, khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây bị ngập lụt; năng suất và sản lượng vật nuôi, thủy sản giảm; một số khu vực thiếu nước làm gián đoạn hoạt động sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm và tăng chi phí của doanh nghiệp;...

Du lịch - một phần trong liên kết phát triển bền vững - tiểu vùng Đồng Tháp Mười, giúp phát huy thế mạnh hệ sinh thái đất ngập nước của 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp

Du lịch - một phần trong liên kết phát triển bền vững - tiểu vùng Đồng Tháp Mười, giúp phát huy thế mạnh hệ sinh thái đất ngập nước của 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp

Để cùng các tỉnh, thành ĐBSCL phòng, chống BĐKH, tỉnh định hướng, triển khai nhiều giải pháp, tập trung các dự án ưu tiên trong kế hoạch hành động ứng phó BĐKH và nước biển dâng giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỉnh tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH cho cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn trong ứng phó với BĐKH; đánh giá tài nguyên nước dưới đất và khả năng biến dạng sụt lún mặt đất do khai thác quá mức trong bối cảnh BĐKH; điều tra, thu thập các kinh nghiệm, kiến thức bản địa trong dự báo và ứng phó BĐKH, thiên tai của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện dự án cấp nước sạch cho các xã vùng hạ ở 2 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc; nghiên cứu xây dựng các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước từ các hồ do khai thác đất xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng lũ để phục vụ việc trữ nước sản xuất và sinh hoạt; dự án đê kè phục vụ sản xuất, dân sinh dọc sông Rạch Dừa, Rạch Giồng, Rạch Dơi, thị trấn Cần Giuộc và đê kè dọc sông Soài Rạp, Vàm Cỏ nhằm ứng phó nước biển dâng tại xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; dự án kè sông Vàm Cỏ Tây đoạn TP.Tân An và kè đê Nước Mặn, huyện Cần Đước; quy hoạch khu tái định cư cho các hộ dân vùng bị ngập úng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt do BĐKH; quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH đối với khu vực doanh nghiệp về xây dựng công cụ đánh giá rủi ro BĐKH cho doanh nghiệp tại Long An.

Qua những hành động, việc làm cụ thể, giải pháp hướng tới, tin tưởng rằng, việc Long An gắn kết với ĐBSCL sẽ tạo ra sự phát triển toàn diện về mọi mặt, mở ra hướng đi mới, bền vững cho toàn vùng./.

Việc gắn kết giữa Long An với ĐBSCL thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Để việc gắn kết toàn diện, bền vững hơn, Long An tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung hoàn thành 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), với 3 mũi nhọn: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông hiện đại, đồng bộ; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực quan trọng vào phát triển KT-XH, nhất là các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết