Tiếng Việt | English

25/08/2017 - 01:40

Gắn kết tình quân - dân

Chương trình quân - dân y (QDY) kết hợp trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát huy sức mạnh tổng hợp của quân y và dân y trong việc củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trên địa bàn, gắn kết tình quân - dân.

Năm 2009, UBND tỉnh ra quyết định thành lập 5 phòng khám QDY kết hợp giữa các đồn biên phòng và trạm y tế các xã biên giới. Hoạt động chủ yếu chăm sóc sức khỏe bộ đội, tham gia khám, chữa bệnh (KCB) giúp người dân 2 bên biên giới trên địa bàn đóng quân. Qua đó, tạo được niềm tin cho nhân dân, góp phần làm tốt công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Ngoài ra, phòng khám còn phối hợp thực hiện phòng, chống dịch bệnh, sơ cấp cứu người bị thương, bị nạn. Nếu trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng thì chuyển theo tuyến để điều trị kịp thời.

Công tác quân - dân y kết hợp góp phần thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội và gắn kết tình quân - dân

Ngoài ra, toàn tỉnh có 6 trạm y tế (TYT) QDY thuộc 6 huyện, thị xã biên giới. Nhiều năm qua, các cơ sở KCB QDY kết hợp tích cực phối hợp triển khai công tác KCB và giám sát dịch bệnh. Phụ trách Phòng khám QDY kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Bến Phố, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - Đại úy, y sĩ Nguyễn Duy Thuần cho biết: “Quân y phòng khám thường xuyên trao đổi với TYT địa phương trong thực hiện KCB cho người dân trên địa bàn và người dân sống 2 bên biên giới. Đồng thời, chú trọng phối hợp thực hiện phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua biên giới. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe và triển khai các chương trình y tế quốc gia tại địa phương: Phòng, chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống suy dinh dưỡng,...”.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ sở y tế QDY kết hợp tổ chức KCB cho trên 14.700 lượt bộ đội, người dân 2 bên biên giới Việt Nam - Campuchia và người có thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương. Đặc biệt, các đơn vị còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 6.600 lượt người nghèo, kinh phí trên 660 triệu đồng.

Tuy đạt những kết quả nhất định trong việc kết hợp QDY chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và phòng, chống dịch bệnh,... nhưng hoạt động kết hợp QDY tại các xã biên giới vẫn chưa đi vào nền nếp, còn mang tính “thời vụ”. Phụ trách Phòng khám QDY kết hợp thuộc Đồn Long Khốt - Trung tá, y sĩ Nguyễn Văn Trúc chia sẻ: “Cơ sở vật chất nơi đây hiện đang xuống cấp. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận chỉ 5-7 bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh, chủ yếu KCB miễn phí cho dân nghèo 2 bên biên giới. Trong các đợt cao điểm phòng, chống dịch thì công tác phối hợp được phát huy mạnh mẽ; việc phối hợp KCB chưa thường xuyên. Chúng tôi chưa có điều kiện tham gia các lớp tập huấn cập nhật kiến thức do Sở Y tế tổ chức”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế (Phó ban QDY tỉnh) - bác sĩ Võ Văn Thắng: “Qua khảo sát, vẫn còn một vài phòng khám QDY kết hợp hoạt động chưa hiệu quả, phối hợp chưa chặt chẽ và chưa đi vào nền nếp. Thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế các huyện biên giới chú trọng hơn nữa công tác kết hợp QDY ở các xã biên giới và tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương đề ra giải pháp thích hợp. Để công tác kết hợp QDY trong cấp cứu, điều trị bệnh và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn ngày càng tốt hơn, trước tiên, các phòng khám QDY kết hợp cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ; hợp đồng trách nhiệm cụ thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh giữa đồn biên phòng và TYT; phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm dịch qua lại biên giới. Cùng với việc thực hiện Đề án “TYT trung tâm”, nếu phòng khám QDY kết hợp gần TYT xã thì sẽ sáp nhập với TYT trong thực hiện công tác KCB và phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng KCB, giúp người dân và bộ đội tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngày càng cao. Điển hình: Phòng khám QDY kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Long Khốt (Đồn 885) xuống cấp và gần TYT xã Thái Bình Trung thì quân y sĩ của phòng khám sẽ đến làm việc tại TYT xã. Nếu phòng khám QDY cách xa TYT xã thì trung tâm y tế tăng cường lực lượng, trang thiết bị KCB định kỳ đến phòng khám để KCB cho bộ đội và nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục tăng cường, phát triển sức mạnh QDY kết hợp nhằm nâng cao chất lượng KCB và phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các xã biên giới, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác. Chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội theo mục tiêu “Hiệu quả, công bằng và phát triển”.

Ban Quân dân y tỉnh khảo sát về tình hình hoạt động của các phòng khám quân - dân y kết hợp

Bất cứ thời điểm nào, công tác QDY kết hợp luôn đóng vai trò quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia. Việc thực hiện tốt công tác QDY không chỉ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe quân, dân mà còn góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh nhà ngày càng vững chắc./.

Năm 2014, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận được sự tài trợ của Tập đoàn Vingroup xây mới Phòng khám QDY Ba Thu thuộc địa bàn xã Mỹ Quý Tây với kinh phí 1,4 tỉ đồng và được trang bị máy siêu âm, điện tim, có quy chế hoạt động kết hợp QDY trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; định kỳ, Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ tăng cường bác sĩ đến phòng khám để duy trì hoạt động KCB. Đây là phòng khám hoạt động hiệu quả, cánh tay nối dài của TYT xã Mỹ Quý Tây.

Ngoài ra, năm 2015-2017, Long An xây dựng Bệnh xá QDY tỉnh (từ Bệnh xá của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) quy mô 50 giường và trang bị một số dụng cụ y tế hiện đại từ kinh phí địa phương (32 tỉ đồng). Bệnh xá hiện đưa vào hoạt động và sẽ là một cơ sở KCB QDY cấp tỉnh, góp phần chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết