Tiếng Việt | English

18/03/2018 - 14:25

Ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung: Thực hiện sao cho hiệu quả?

Kể từ hôm nay 18/3, thông tư liên tịch hướng dẫn ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ có hiệu lực pháp luật.

Ghi âm - ghi hình trở thành phương tiện được quy định phải có trong hoạt động hỏi cung - Ảnh: T.T.D

Ghi âm - ghi hình trở thành phương tiện được quy định phải có trong hoạt động hỏi cung - Ảnh: T.T.D

Đây là thông tư 03 do Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Quốc phòng ban hành theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015. 

Có nhiều ý kiến hi vọng việc thực hiện thông tư sẽ giúp giảm oan sai, chống bức cung, nhục hình. Quy định này rất tiến bộ nhưng thực hiện sao cho thật sự có hiệu quả vẫn là một câu hỏi cần quan tâm.

* Ông Phạm Huy Thận (nguyên cục trưởng Cục điều tra Viện KSND tối cao):

Tốn kém cũng phải làm

Thực tiễn làm công tác điều tra cho thấy nếu không ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung, điều tra viên sẽ lạm quyền để thực hiện những chủ ý của mình. Thực tế chứng minh thời gian qua có những trường hợp oan sai do điều tra viên dụ dỗ, dọa dẫm, lừa lọc hoặc ép bị can nhận tội. 

Dẫu biết việc ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung sẽ tốn kém nhưng đổi lại, quyền con người được bảo vệ chính đáng.

Cần lưu ý, hoạt động lấy cung ngoài việc được ghi âm - ghi hình phải kèm theo ghi biên bản. Bị can khai thế nào phải được ghi thế đấy, có quyền không ký biên bản khi thấy bản cung ghi không đúng ý mình.

* Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nên có cơ chế giám sát

Thông tư 03 có quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2020, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử mới được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Nghĩa là từ nay đến năm 2020, nếu luật sư phát hiện điều tra viên không ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung thì không thể kiến nghị đó là sai phạm. 

Tôi cho rằng việc ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung có ý nghĩa rất lớn, cần được áp dụng sớm hơn.

Thực tiễn tham gia các buổi hỏi cung, tôi thấy các phòng hỏi cung của cơ quan điều tra công an các tỉnh và cả phòng hỏi cung của Bộ Công an vẫn chưa được trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình. 

Theo quy định hiện hành, khi làm việc tại cơ quan điều tra, tất cả thiết bị ghi âm - ghi hình của luật sư hoặc của điều tra viên đều phải bỏ ở bên ngoài phòng hỏi cung. Tuy nhiên, luật không quy định cơ chế giám sát nội dung này như thế nào. 

Bộ luật tố tụng hình sự và thông tư 03 còn quy định cấm cắt ghép, hủy dữ liệu ghi âm - ghi hình nhưng quy định này không có cơ chế giám sát, nên chỉ còn cách trông chờ vào người tiến hành tố tụng tuân thủ nghiêm ngặt.

Việc ghi âm - ghi hình chỉ có ý nghĩa khi dữ liệu thu được sau khi đối chiếu với biên bản hỏi cung có sự sai lệch. Nếu không có sự đối chiếu với biên bản hỏi cung thì không có cơ chế giám sát.

* Luật sư Trần Văn An (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang):

Phải thực hiện trong tất cả các vụ án

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung. Ở một số tỉnh phía Bắc hiện đã bố trí camera tại phòng hỏi cung của cơ quan điều tra. Nhưng qua thực tiễn, tôi chỉ thấy có ghi âm - ghi hình ở một số vụ án quan trọng hoặc khi bị can kêu oan. 

Theo tôi, tất cả các vụ án và tất cả các buổi lấy cung, lấy lời khai đều cần ghi âm - ghi hình. Việc làm này cần được đảm bảo đúng thời gian quy định, lúc nào dừng ghi âm - ghi hình cũng đều phải được thể hiện rõ tại biên bản. 

Các điều tra viên và luật sư phải giải thích rõ cho bị can biết quyền lợi của mình trong các buổi hỏi cung có ghi âm - ghi hình.

Một vấn đề rất quan trọng, thông tư 03 giới hạn việc công bố băng ghi âm, ghi hình tại tòa trong 3 trường hợp: nếu tòa xét thấy cần thiết; nếu bị can tố cáo bị bức cung nhục hình hoặc có yêu cầu của người tiến hành tố tụng. 

Quy định này còn nêu rõ luật sư bảo vệ thân chủ muốn công bố băng ghi âm - ghi hình tại tòa thì phải được sự đồng ý của tòa. Nếu tòa không đồng ý thì luật sư cũng... chịu. Theo tôi, đây là quy định bất cập. 

Băng ghi âm - ghi hình là tài liệu chứng cứ trong quá trình điều tra. Khi có yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng thì tòa phải công bố tại tòa. 

Đáng tiếc, thông tư lại cắt mất quyền được công bố, như vậy là làm thu hẹp phạm vi của luật, mất đi ý nghĩa của việc ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung.

Tôi thấy có ý kiến phản đối việc ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung trong tất cả các vụ án, bởi rất tốn kém. Vấn đề này, khi họp, Quốc hội có trả lời kinh phí để bảo vệ quyền con người không bao giờ thiếu, cơ sở vật chất để hoạt động tố tụng được tiến hành đúng pháp luật không bao giờ bị hạn chế. 

Quốc hội cũng khảo sát và kết luận chúng ta đủ điều kiện để ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung. Tất nhiên, mọi thứ đều cần có lộ trình nhưng quan trọng nhất là những người thực hiện nên hiểu hết quy định để vận dụng đúng pháp luật.

* Bà Trương Thị Minh Thơ (nguyên thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM):

Chỉ cần ghi hình có âm thanh

Theo tôi, chỉ nên quy định phải tiến hành ghi hình có âm thanh là đủ. Ví dụ, việc ghi hình một phiên tòa từ đầu đến cuối có sự liên thông cả hình ảnh lẫn âm thanh, khi kiểm tra lại sẽ rất thuận tiện, tránh được sự cắt ghép. 

Nếu ghi hình thì cần ghi hình tất cả các buổi hỏi cung của các vụ án. Đây là chứng cứ của vụ án nên người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải được phép sao chép như sao chụp các hồ sơ hiện nay.

* Một giảng viên Học viện Tư pháp:

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Hoạt động ghi âm, ghi hình khi hỏi cung chỉ là một trong những phương tiện, cách thức khi tiến hành điều tra. Nhiều người kỳ vọng rất lớn đây sẽ là cách giúp chống oan sai. Tôi nghĩ đây chỉ là biện pháp giúp hạn chế phần nào những việc làm sai trái của điều tra viên, kiểm sát viên. Bởi tất cả đều do con người tạo ra. 

Khi bị can chịu sự quản lý của anh, anh muốn hỏi cung lúc nào cũng được. Việc hỏi cung được tiến hành 20 lần nhưng anh chỉ ghi âm - ghi hình có 10 lần. Việc này không ai có thể kiểm soát được. 

Đó là chưa kể cơ quan có trách nhiệm điều tra được quyền quản lý hết các tư liệu ghi âm - ghi hình. 

Có những vấn đề thuộc bí mật đời tư cá nhân, bí mật quốc gia sẽ phải cắt ra hoặc không thể công bố. Việc này sẽ được giám sát như thế nào? Đó là những vấn đề cần phải quan tâm đến./.

Quy định hoạt động ghi âm - ghi hình

Cán bộ hỏi cung bị can được quyền lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm - ghi hình được thực hiện tại trụ sở cơ quan điều tra. Nếu không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai.

Nếu đang hỏi cung xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải hỏi ý kiến người được hỏi cung. Nếu họ đồng ý thì tiếp tục lấy lời khai, nếu họ không đồng ý phải dừng hoạt động hỏi cung.

Hệ thống máy chủ được đặt tại cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra. Kết quả của việc ghi âm - ghi hình được sử dụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để đánh giá chứng cứ nhằm làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo.

Trong quá trình ghi âm - ghi hình có thể tạm dừng nhưng trước khi tạm dừng phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do và ghi vào biên bản.

Cấm chỉnh sửa, cắt ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, thất lạc dữ liệu ghi âm - ghi hình.

Hội đồng xét xử được quyết định việc cho nghe, cho xem nội dung được ghi âm - ghi hình tại phiên tòa khi thấy cần thiết, khi bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung hay khi có đề nghị của những người tiến hành tố tụng.

Theo tuoitre.vn 

Chia sẻ bài viết