Tiếng Việt | English

23/07/2018 - 10:55

Gia cố đê bao phòng, chống lũ, bảo vệ sản xuất

Chủ động xây dựng, gia cố đê bao chống lũ góp phần giúp nông dân giảm lo lắng, bảo đảm sản xuất hiệu quả.

Theo dự báo, mùa lũ 2018 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Nước lũ ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và khu vực nội đồng dự báo cao hơn năm 2017 và xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ cao nhất năm 2018 tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, dao động mức báo động cấp 2 và trên cấp 2; còn đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực Đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10, mức báo động cấp 2.

Chủ động gia cố đê bao phòng, chống lũ

Chủ động gia cố đê bao phòng, chống lũ

Trước dự báo trên, ngành chức năng đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống nhằm bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng Long An, cho biết: “Vụ lúa Hè Thu 2018, toàn tỉnh gieo sạ 223.126ha, đạt 100,5% kế hoạch, bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2017. Vụ lúa Thu Đông 2018, toàn tỉnh gieo sạ 21.334ha, đạt gần 44% kế hoạch (48.500ha). Dự báo năm nay, mực nước lũ có khả năng cao hơn năm 2017. Để đề phòng nước lũ gây hại cho lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sản xuất ở những nơi có đê bao chống lũ triệt để, tuyệt đối không sản xuất tràn lan ngoài quy hoạch, không có đê bao bảo vệ,... nhằm bảo đảm thu hoạch an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra và di dời những hộ dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo sạt lở, tổ chức lực lượng trực đề phòng sạt lở diễn biến khó lường trong mùa mưa, lũ,...”.

“Ngoài ra, ngành tập trung xử lý cấp bách sự cố công trình đê bị hư hỏng do bão, lũ năm 2017; lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa lũ, bão năm 2018; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp hệ thống đê, bảo đảm chất lượng, kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2018” - ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - Tô Văn Chảnh thông tin: “Qua khảo sát, toàn huyện có 135 ô đê bao chống lũ bảo vệ khoảng 28.600ha lúa, trong đó có 56 ô đê bao chưa bảo đảm an toàn chống lũ với hơn 11.100ha lúa. Huyện phối hợp địa phương vận động người dân cùng Nhà nước tiến hành gia cố đê bao, bảo vệ lúa Hè Thu nhằm bảo đảm sản xuất hiệu quả khi lũ về sớm”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng - Trần Thanh Tâm cho hay: “Địa phương tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống đê, kịp thời phát hiện những hư hỏng, xây dựng phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến, từng khu vực trọng điểm. Toàn xã có 4 ô đê bao lớn cần gia cố để bảo vệ gần 300ha lúa Hè Thu 2018. Hiện, địa phương vận động người dân hiến đất để tiến hành gia cố đê bao”.

Ông Nguyễn Văn Giáo (ấp Gò Cát, xã Vĩnh Trị) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,7ha lúa Hè Thu. Trước dự báo về tình hình lũ năm nay, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển hệ thống đê bao ngăn lũ, phòng, chống ngập úng trong sản xuất. Tôi mong, thời gian tới, địa phương làm tốt công tác quy hoạch, nạo vét, sửa chữa, nâng cấp, làm mới hệ thống kênh, mương, đê bao, cống, đập để chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Võ Kim Thuần cho biết: “Nhằm bảo đảm sản xuất trong mùa mưa, lũ, chi cục xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra mức độ an toàn các công trình đê bao vùng Đồng Tháp Mười trước mùa mưa, lũ năm 2018 để kịp thời tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh trình UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống lũ hiệu quả.

Theo đó, chi cục sẽ rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2018; thành lập, củng cố lực lượng quản lý đê bao Vĩnh Hưng bảo đảm công tác phòng, chống lũ, bão; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trực ban phòng, chống thiên tai, theo dõi diễn biến khí tượng - thủy văn, mực nước lũ các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, cập nhật thiệt hại do thiên tai gây ra, thông báo kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp và công tác phòng, chống thiên tai.

Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra và đề xuất phương án xử lý kỹ thuật các công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng để sửa chữa; tham mưu sở cấp và gia hạn giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tiếp tục theo dõi, lập kế hoạch về kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; kết hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và đê; thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ, sử dụng đê và hộ đê; kế hoạch, giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi quản lý”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết