Tiếng Việt | English

08/11/2018 - 14:06

Giá khóm tăng cao, nông dân Tân Tây lãi lớn

Những ngày này, nông dân trồng khóm ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vô cùng phấn khởi vì giá khóm tăng cao. Hơn nữa, tại đây, vùng trồng khóm được quy hoạch lên đến 600ha và đang được đầu tư, xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân phát triển vùng chuyên canh khóm.

Nông dân thu hoạch khóm

Nông dân thu hoạch khóm

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây - Trương Minh Hè chia sẻ: “Tân Tây giáp vùng trồng khóm của Tân Phước, tỉnh Tiền Giang nên nông dân nơi đây có điều kiện học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây khóm. Chỉ sau thời gian ngắn chuyển đổi, cây khóm cho “quả ngọt”, giúp nông dân trong khu vực có thu nhập khá”.

Gia đình ông Đoàn Trung Nhường, ngụ ấp 5, xã Tân Tây, những ngày này đang thu hoạch khóm. Ông Nhường vui vẻ nói: “Tôi đang trồng 6ha khóm. Trồng khóm không tốn nhiều chi phí, bình quân 1ha, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Khóm trồng bình quân 18 tháng sẽ cho thu hoạch. Điều đặc biệt là dòng đời của khóm khá dài, từ 4-5 năm nên chi phí không cao. Thời gian gần đây, giá khóm ổn định nên người trồng khóm có thu nhập tương đối cao”.

Theo đó, ruộng khóm 6ha nhà ông Nhường có 4ha đang cho trái, 2ha đang được ươm trồng mới. Trồng khóm không cần phải chăm sóc thường xuyên như những loài cây khác. Bình quân sau mỗi đợt thu hoạch sẽ bón phân, xử lý để khóm ra hoa tập trung. Hiện tại, với 4ha khóm đang cho trái, bình quân 1,5 tháng, ông Nhường thu hoạch 1 lần khoảng 40 tấn. Hiện khóm loại 1 và loại 2 bán tại ruộng có giá 5.500 đồng/kg, khóm nhỏ hơn giá 2.500 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng khóm có thể lãi bình quân 100 triệu đồng/năm/ha”.

Ông Khấu Như Ý cũng đang trồng khóm trên địa bàn ấp 5, xã Tân Tây. Ông Ý nói: “Trồng khóm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây khóm là loài cây chịu hạn, phèn tốt, phù hợp với vùng đất này và đặc biệt là cho trái quanh năm. Thời gian gần đây, vùng đất trồng khóm trên địa bàn được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi như đê bao khép kín nên ít rủi ro hơn”.

Ông Trương Minh Hè cho biết thêm, hiện tại, Tân Tây có 300ha đất trồng khóm (90 hộ sản xuất) và tập trung nhiều nhất ở khu vực ấp 5. Những năm gần đây, người trồng khóm có nhiều thuận lợi, lãi cao vì giá bán ra luôn ở mức cao nên lợi nhuận rất ổn định. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện còn phối hợp xã tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người trồng khóm. Nhờ đó, người trồng khóm biết cách xử lý phèn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tân Tây được huyện quy hoạch vùng trồng khóm chuyên canh đến năm 2020 là 600ha và đang hướng đến liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Giá khóm tăng, nông dân phấn khởi

Giá khóm tăng, nông dân phấn khởi

Để cây khóm phát triển tốt trên đất phèn, đến nay, Tân Tây được đầu tư xây dựng trên 200ha đê bao ngăn lũ, trạm bơm điện. Tuy nhiên, khó khăn của người trồng khóm hiện nay là một số người còn ngán ngại đầu tư trồng khóm, bởi diện tích sản xuất chưa có đê bao, sợ ảnh hưởng khi lũ về.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, hiện tại, khu vực trồng khóm ở Tân Tây được quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh khóm nhằm gắn kết với vùng khóm của tỉnh Tiền Giang. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh khóm. Đồng thời, sở chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện tăng cường tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, định hướng thành lập hợp tác xã để tạo điều kiện cho nông dân phát triển vùng chuyên canh khóm. Khi vùng chuyên canh khóm hình thành và phát triển ổn định, các ngành liên quan tiếp tục bắt tay vào kết nối với doanh nghiệp chế biến để đầu ra trái khóm ngày càng bền vững hơn, nông dân thu lãi cao hơn./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết