Tiếng Việt | English

09/07/2020 - 12:40

Giá thanh long dần hồi phục

Sau nhiều ngày im ắng vì giá thanh long rớt thê thảm, mấy ngày qua, vùng trồng thanh long huyện Châu Thành, Tân Trụ bỗng sôi động khi giá mua loại trái cây này hồi phục trở lại.

Giá thanh long bắt đầu tăng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An - Nguyễn Quốc Trịnh, những ngày qua, giá thanh long ở tỉnh liên tục tăng mạnh trở lại, thậm chí có ngày giá được điều chỉnh tăng 2-3 lần. Hiện các nhà kho tiêu thụ thanh long ở tỉnh phát giá mua tại kho đối với thanh long ruột đỏ loại 1 từ 40.000-42.000 đồng/kg, loại 2 từ 30.000-32.000 đồng/kg và giá này có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Còn đối với doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu đi Trung Quốc, giá thanh long thu mua từ các nhà kho ít nhất cũng 48.000 đồng/kg trở lên, nhiều doanh nghiệp thiếu hàng phải nhập thêm từ tỉnh Bình Thuận mới đủ để cung ứng, trong đó nhập nhiều nhất là thanh long ruột trắng.

Những ngày qua, thanh long được các công ty thu mua trên 30.000 đồng/kg

Cũng theo ông Trịnh, nguyên nhân khiến thanh long xuống giá thời gian trước đây một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn; một phần do hạn, mặn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng thanh long. Hầu hết những diện tích thanh long mà người dân bán với giá 2.000-3.000 đồng/kg đều do thanh long bị thiếu nước, nhỏ trái, chất lượng kém. Những loại thanh long kém chất lượng đó các chủ kho chỉ có thể nhập về để bán cho các công ty trong nước sản xuất nước ép và các loại thực phẩm đóng gói, không thể xuất khẩu. Bên cạnh đó, ông Trịnh cũng chia sẻ thêm về việc thời gian gần đây có một số hộ dân phá bỏ thanh long để chuyển sang trồng những loại cây khác. Ông Trịnh cho biết: “Hiệp hội đã tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, hầu hết diện tích phá bỏ đều không nằm trong phạm vi các hợp tác xã, trước giờ họ chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống, chất lượng thanh long không cao và sức khỏe cây thanh long cũng không tốt. Do đó, qua đợt hạn, mặn vừa rồi, hầu hết các diện tích này đều bị ảnh hưởng, nhiều hộ vì thua lỗ nên phá bỏ, chuyển sang trồng cây khác”.

Những ngày qua, Công ty Hoàng Phát Food (huyện Châu Thành) thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá 38.000 đồng/kg; loại 2 là 28.000 đồng/kg và loại 3 là 22.000 đồng/kg, tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg so với mức giá lúc xuống thấp nhất. Theo Giám đốc Công ty Hoàng Phát Food - Nguyễn Hoàng Huy, mức giá mua vào như hiện nay là đã ngang bằng với mức giá được công ty mua vào tại thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, tức trước khi các cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc bị đóng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.

Liên kết bao tiêu

Vừa qua, Tập đoàn Lavifood và Hiệp hội Thanh long tỉnh có buổi ký kết để liên kết bao tiêu đầu ra cho 100ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP trên địa bàn 2 huyện Châu Thành và Tân Trụ. Đây được xem là hoạt động nhằm tạo mối quan hệ bước đầu để tiến tới những mục tiêu xa hơn trong thời gian tới, cụ thể là bao tiêu toàn bộ thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành và Tân Trụ.

Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Lavifood - Lê Quốc Trực cho biết: “Hiện tập đoàn có 1 công ty thu mua thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành. Đa phần các sản phẩm thanh long mà công ty thu mua sẽ được tập đoàn hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Lavifood sẽ mua thanh long ruột đỏ được trồng tại huyện Châu Thành theo quy trình canh tác sạch, có đầy đủ nhật ký canh tác, đạt số lượng thanh long chất lượng (loại 1 và loại 2) từ 3.000-3.500 tấn theo tiêu chuẩn mà phía đơn vị bao tiêu đặt ra. Giá mua sẽ được thỏa thuận theo từng thời điểm thu hoạch trong năm”.

Sự hợp tác giữa Hiệp hội Thanh long tỉnh với Tập đoàn Lavifood tạo kết nối lợi ích của người dân với công ty, giúp cho người trồng thanh long tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá” và phấn khởi, an tâm đầu tư phát triển sản xuất. Theo ông Trịnh, thêm lần bao tiêu này đã nâng tổng số diện tích thanh long được bao tiêu trên địa bàn huyện Châu Thành lên gần 1.000ha./.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 160 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tiêu thụ thanh long, cụ thể: 154 cơ sở thu gom, sơ chế thanh long, ước khả năng tạm trữ, bảo quản khoảng 5.000-6.000 tấn thanh long; 6 cơ sở chế biến thanh long; có 9.897ha thanh long được cấp mã số vùng trồng, 120 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được cấp mã số kho đóng gói.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết