Tiếng Việt | English

21/05/2018 - 10:47

Giá tôm giảm liên tục - nông dân lao đao

Những năm trở lại đây, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn con giống khan hiếm, các đợt dịch bệnh gây chết hàng loạt đến tôm rớt giá liên tục. Trong khi đó, mọi chi phí đều tăng cao khiến người nuôi tôm không khỏi lo lắng.

Hiện, tôm thẻ chân trắng:Cỡ 60-70 con/kg giá từ 95.000-110.000 đồng/kg, cỡ 100-110 con/kg giá từ 75.000-85.000 đồng/kg; tôm sú: Cỡ 40-50 con/kg giá từ 200.000-210.000 đồng/kg, ổn định so với tuần trước, cỡ 70-80 con/kg, giá từ 100.000-120.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

“Dở khóc, dở cười”

Đến nay, toàn tỉnh Long An thả nuôi 2.761,4ha tôm nước lợ, đạt 41,8% kế hoạch (6.600ha), bằng 136,9% so cùng kỳ năm 2017, trong đó, tôm sú 431,2ha, tôm thẻ chân trắng 2.330,2ha, thu hoạch 2.319,5ha, năng suất bình quân ước 2,1 tấn/ha, sản lượng 4.879,7 tấn. Có 87ha bị thiệt hại (tôm sú 16,3ha, tôm thẻ chân trắng 70,7ha), chiếm 3,2% tổng diện tích thả nuôi. Nguyên nhân, bệnh đốm trắng, đường ruột và hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm. Tuy nhiên, các địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh và dập dịch kịp thời nên đã ngăn ngừa dịch bệnh lây lan diện rộng. Có thể nói, vụ nuôi năm nay khá suôn sẻ từ khâu thả giống đến chăm sóc. Song, vào mùa thu hoạch thì nhiều hộ nuôi trong tỉnh phải “dở khóc, dở cười” vì giá tôm giảm xuống mức quá thấp.

Theo nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, năm 2017, bình quân giá tôm thẻ chân trắng hơn 95.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), có thời điểm lên hơn 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến vụ thu hoạch năm nay, giá tôm thẻ giảm chỉ còn 70.000-80.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tôm thẻ bán oxy 75.000-80.000 đồng/kg, còn tôm ướp đá thì giá chỉ ở mức 65.000-70.000 đồng/kg. Như vậy, so cùng kỳ năm 2017, giá 1kg tôm thấp hơn 20.000-30.000 đồng. Vừa bán xong hơn 1 tấn tôm với giá 75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), anh Cao Văn Linh (ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) tiếc rẻ: “Chưa bao giờ giá tôm rớt thê thảm như vụ này”.

Tôm rớt giá liên tục khiến nông dân lao đao

Tôm rớt giá liên tục khiến nông dân lao đao

Theo anh Linh, giá tôm mỗi ngày một giảm, trong khi đó, giá thức ăn cho tôm tăng thêm 20.000-40.000 đồng/bao; thuốc thủy sản, các sản phẩm xử lý nước, môi trường nuôi đều tăng từ 10-15% trở lên, chưa kể điện, xăng cũng tăng giá. Hiện, tiền đầu tư mua tôm giống, thức ăn, thuốc thủy sản gần 150 triệu đồng/ha/vụ, đó là chưa tính tiền đầu tư ao hồ, nhân công. Do đó, giá tôm phải được 90.000 đồng/kg mới có lãi, còn giá thấp như hiện nay thì nông dân từ lỗ đến huề vốn. Vì vậy, mặc dù gia đình có khoảng 2ha đất nhưng anh Linh không thể duy trì nuôi 100% diện tích hiện có mà chỉ đủ vốn nuôi cầm chừng gần 1ha (2 ao).

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Hiện, có nhiều hộ, tôm vào lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được, bởi đang rớt giá mạnh. Ông Nguyễn Văn Re (ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Hiện nay, người nuôi tôm đối mặt với tình trạng “được mùa - rớt giá”. Nuôi ròng rã mấy tháng trời, vậy mà giá tôm rớt “thảm” quá! Nếu nuôi tiếp để chờ tăng giá thì không biết đến khi nào, còn thu hoạch mà bán với giá như hiện nay thì lỗ vốn. Bây giờ, chúng tôi chẳng biết phải làm sao!”.

Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Đước - Ngô Hồng Điệp cho biết: “Toàn huyện thả nuôi khoảng 850ha tôm, đạt 42,45% kế hoạch, trong đó, tôm thẻ khoảng 710ha. Hiện nay, giá tôm liên tục giảm, người nuôi gần như không có lãi. Nếu tính trung bình giá tôm ở mức 80.000 đồng/kg thì nông dân mới huề vốn. Vì vậy, với giá tôm hiện nay, người nào nuôi có năng suất thì chỉ lãi 10-20 triệu đồng/ha”.

Không nên vội vàng

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Nguyễn Thanh Toàn cho biết: Hiện nay, giá thị trường đang giảm, do vậy giải pháp trước mắt là cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá tôm giảm. Về khách quan, sản lượng tôm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu giảm, do đó, người dân sợ thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá nguyên liệu tiếp tục giảm nên tranh thủ thu hoạch sớm. Về chủ quan, người nuôi lo ngại bệnh trên tôm sẽ gia tăng khi trời có mưa nên tập trung thu hoạch. Đồng thời, người dân nuôi diện tích nhiều và ảnh hưởng một phần diện tích nuôi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, để nuôi tôm hiệu quả, thời gian tới, người nuôi không nên vội vàng thả giống, cần cải tạo môi trường nuôi phù hợp, cải tạo ao chờ nước có độ mặn 3-5% sẽ thả nuôi lại; thả tôm mật độ vừa phải, 30-40 con/m2; chọn giống tốt, uy tín, hạn chế sử dụng kháng sinh và lạm dụng thuốc hóa chất. Bên cạnh đó, ngành tập trung theo dõi tình hình thả nuôi, dịch bệnh trên tôm nước lợ tại các huyện vùng hạ nhằm kịp thời khuyến cáo người nuôi các biện pháp phòng bệnh; phối hợp UBND các huyện tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh; thực hiện quan trắc môi trường nước nuôi tôm nước lợ, khuyến cáo người dân nuôi tôm nước lợ theo khung lịch thời vụ.

Ngoài ra, chi cục thành lập các tổ tư vấn để kiểm tra mẫu nước, mẫu tôm theo yêu cầu của người nuôi (có lưu kết quả kiểm tra), hướng dẫn kỹ thuật và phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, theo dõi tình hình nuôi và thu thập thông tin từ vùng nuôi (thông tin về kỹ thuật nuôi, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, tình hình quản lý giống, tình hình dịch bệnh,...) thông qua phiếu điều tra sau mỗi đợt tư vấn và tổng hợp phản ánh về cơ quan chức năng để giúp công tác quản lý và hoạt động sản xuất đạt hiệu quả hơn, thu mẫu (lưu mẫu) bệnh phẩm hoặc bệnh lạ khi vùng nuôi mới phát sinh bệnh, gửi ngay về Trạm Chăn nuôi và Thú y nơi thu mẫu để xác định nguyên nhân gây bệnh khi cần thiết; tổng hợp kết quả tư vấn (phối hợp kết quả quan trắc trong vùng nuôi) để nhận định, dự đoán, dự báo và viết bản tin nhanh gửi đài phát thanh địa phương mỗi tháng 2 kỳ nhằm thông tin, khuyến cáo kịp thời đến vùng nuôi”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết