Tiếng Việt | English

30/04/2017 - 11:29

Giá trị lịch sử ngày 30/4/1975 tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, một mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, mang tầm quốc tế và thời đại. Ngày 30/4/1975, ngày hội tụ của 3 sự kiện lịch sử: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mở ra kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH.

Được đặc công dẫn đường và hộ tống, xe tăng Lữ đoàn 203 thần tốc tiến vào Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút, trưa 30/4/1975 (Ảnh: T.L)

…Ngược dòng lịch sử cho thấy, trong chiến tranh Pháp - Việt, Mỹ là kẻ đứng sau yểm trợ thực dân Pháp, từ cuối năm 1950 đến 1954, Mỹ bộc lộ rõ ý đồ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương thông qua việc viện trợ cho Pháp 4 tỉ đôla (chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), song, Mỹ không ký vào bản Tuyên bố cuối cùng của hội nghị mà dựa vào đó để ngang nhiên công khai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Mỹ theo đuổi là tiêu diệt phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chặn đứng phong trào cộng sản có thể lan ra khắp vùng Đông Nam Á và bao vây các nước XHCN.

Để thực hiện dã tâm xâm lược đó, Mỹ tiến hành chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, lập ra chính quyền tay sai, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với các chiến lược: “Tố cộng, diệt cộng”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”; 2 chiến lược tác chiến (Tìm và Diệt, Quét và Giữ); 3 loại hình chiến tranh công nghệ cao là chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học và chiến tranh khí tượng, cùng với 2 chiến thuật quân sự: Trực thăng vận và Thiết xa vận,... hơn nửa triệu quân Mỹ tham chiến trực tiếp hoặc thông qua lực lượng tay sai tiến hành hàng trăm ngàn cuộc khủng bố giết hại cán bộ và đồng bào miền Nam; gây ra hàng trăm cuộc thảm sát, ghê rợn nhất là vụ thảm sát Sơn Mỹ với mục tiêu “giết càng nhiều càng tốt, hủy diệt càng nhiều càng tốt” gây chấn động thế giới; lập ra gần 10.000 đồn bót; lùa dân vào hàng chục ngàn ấp chiến lược.

Trong vòng 10 năm (từ năm 1961 đến 1971) với chiến dịch "Ranch Hand", quân đội Mỹ phun rải xuống miền Nam Việt Nam trên 100 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 65% là chất độc da cam chứa 386kg dioxin tinh chất cực kỳ độc hại, làm nhiễm độc trên diện tích 2,6 triệu ha, làm tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe (gây các bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh và hàng loạt rối loạn chức năng khác) cho từ 2,1-4,8 triệu người dân Việt Nam và các thế hệ con, cháu, mưu toan đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta. Và, nhất là, khi liên tiếp sa lầy, thất bại trên chiến trường miền Nam, quân đội Hoa Kỳ mạo hiểm, phiêu lưu dùng ván bài cuối cùng hết sức vô nhân tính - ném bom hủy diệt thủ đô Hà Nội bằng siêu pháo đài bay B.52, liên tục 12 ngày đêm vào cuối năm 1972, với lời hăm dọa “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời đồ đá”.

Chiến trường Long An với vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự như các chuyên gia quân sự Mỹ từng đánh giá “ai khống chế được tỉnh Long An, người đó ở thế thượng phong”, chính vì vậy, kẻ địch luôn tập trung lực lượng đến mức cao nhất để đánh phá lực lượng cách mạng nhằm bảo vệ căn cứ quân sự của chúng. đến năm 1970, lực lượng địch trên đất Long An - Kiến Tường khoảng hơn 40.000 quân, 500 đồn bót, 3 tiểu khu, 13 căn cứ, 12 chi khu; địch còn thành lập các phân chi khu (98/100 xã), “ủy ban phượng hoàng” các cấp; với nhiều hoạt động: Hành quân “phát quang”, hành quân “an ninh”, “bình định đặc biệt”, “bình định cấp tốc”,... nhằm bằng mọi cách làm tiêu hao lực lượng vũ trang của ta, thu hẹp vùng giải phóng,... địa bàn Long An - Kiến Tường phải chịu những cuộc càn quét dữ dội, liên tục.

Song, vượt lên tất cả, sức mạnh của ý chí Việt Nam, tinh thần yêu nước Việt Nam đã chiến thắng, buộc kẻ thù phải khuất phục. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 khép lại cánh cửa chủ nghĩa thực dân mới, vô hiệu hóa mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch hòng thôn tính, ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam; minh chứng niềm tin mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh nhưng nhất định chúng ta sẽ đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Việt Nam nhất định thắng. Đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua; “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tổ quốc thống nhất, xây dựng đất nước đi lên CNXH.

42 năm hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH. Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế có những thay đổi sâu sắc; thiết lập quan hệ với 185 nước trong tổng số 193 nước của Liên Hiệp Quốc; tham gia vào 70 tổ chức quốc tế, khu vực, đóng vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

Tuy nhiên, nước ta vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chưa từ bỏ dã tâm, chúng đã và đang câu kết với nhau tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”,... chia rẽ dân tộc, tôn giáo, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình, kích động bạo lực hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Gần đây, những hành động nguy hiểm mà phía Trung Quốc gây ra trên biển Đông trở thành thách thức lớn đối với chủ quyền quốc gia, dân tộc của Việt Nam và môi trường hợp tác khu vực,...

Trong nước, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” có những diễn biến phức tạp. Để vượt qua những khó khăn, thách thức này, cần rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp cực kỳ quan trọng là tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017), trong không khí cả nước đang quyết tâm thực hiện cụ thể, thiết thực Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An tiếp tục phát huy giá trị lịch sử ngày 30/4/1975, quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017. Mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên tích cực rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống; nâng cao không ngừng năng lực chuyên môn, tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, đưa Long An phát triển nhanh, bền vững./.

Nguyễn Thị Hiền (Trường Chính Trị tỉnh)

Chia sẻ bài viết