Tiếng Việt | English

05/01/2020 - 20:30

Giã từ tết sông

Vậy rồi, chúng tôi đi mải miết… Mà đi đâu má cũng dắt tôi theo cùng. Má đâu có bỏ tôi lại! Tôi thương đôi mắt hằn in những vết chân chim và mái tóc theo tháng năm đã bết lại.


Vậy rồi, chúng tôi đi mải miết… Mà đi đâu má cũng dắt tôi theo cùng. Má đâu có bỏ tôi lại! Tôi thương đôi mắt hằn in những vết chân chim và mái tóc theo tháng năm đã bết lại.

Nhà nội không giành lấy tôi từ tay má, dẫu tôi có là cháu ruột của nội. Đơn giản chỉ vì tôi là con gái, mà bên nội thì chỉ cần cháu trai để nối dõi tông đường. Nhưng thôi, miễn là được sống bên má là đủ rồi! Tôi biết nỗi đau mà má tôi gánh chịu ngần ấy năm bắt nguồn từ lời người cô ruột của tôi: “Con nhỏ đó có đường chỉ tay chữ Nhất, chính nó khắc chết chồng nó”. Cô tôi cũng nhiều lần nói chuyện đường chỉ tay chữ Nhất của má cho tôi nghe bằng giọng nói lanh lảnh, cái cười miệt thị, cái nhíu mày đầy dã tâm và ánh mắt lạnh lùng. Tôi hỏi má bàn tay chữ Nhất là thế nào thì má chỉ khóc, không trả lời. Tôi đem thắc mắc đó hỏi người hàng xóm, người đó nhìn xa xăm rồi lắc đầu buồn bã: “Đàn bà có đường chỉ tay chữ Nhất mệnh bạc như vôi, phần số sát phu, long đong bấp bênh như lục bình trôi trên sóng”. 

*
*     *

Tôi lẩm bẩm đếm, hết hai bàn tay, một bàn chân, mười lăm năm xa xứ. Má không về, ngày giỗ của ba thì má chỉ đậu ghe ở mé sông gần nhà nội nhìn lên. Trên ghe, má lủi thủi nấu mâm cơm rồi bưng ra trước mũi ghe, đốt nhang gọi ba về ăn cho ấm cúng. Rồi má ngồi một bên, tôi ngồi chếch qua bên má. Má nói: “Chừa chỗ kia cho ba mày!”. Má vẫn tin ngày giỗ ba xuống ghe ăn cùng má con tôi. Ba chưa bao giờ bỏ má con tôi. Trên sông, trên ghe, má vẫn thường mơ thấy ba ngồi trước mũi ghe, sửa cây cưa, ngắt mấy trái ớt hiểm trồng trong cái khạp bể ngoài mũi, y như hồi còn ở nhà ba đã làm. Má vẫn có niềm tin rằng ba không hận má, ba không tin và cái chuyện “đường chỉ tay chữ Nhất”. Nếu ba nghĩ đàn bà bàn tay chữ Nhất là xui xẻo thì ba đâu có cưới má.

 Cái tết cuối cùng ở quê nội là cái tết có ba. Ba cùng má con tôi đón tết trong căn nhà nhỏ cất bên cạnh nhà của nội. Chiều ba mươi tết, ba đốt đống rơm ngoài sân cho ấm. Trong căn nhà nhỏ cất tạm bợ để má con tôi ở, để ba khỏi chứng kiến cái cảnh mẹ chồng - nàng dâu như trong phim, để ba khỏi nghe những lời miệt thị của cô tôi dành cho má. Ba không muốn bất hiếu với gia đình, cũng không muốn má tôi phải chịu khổ, bởi vậy ba với má tôi ở chung không ra ở chung, mà ở riêng cũng không giống ở riêng. Hai vách nhà cách nhau có một cây dâu tằm, bên này nói gì thì bên kia nghe thấy hết, còn ba thì chạy qua chạy lại nhưng có ra làm sao thì ba cũng quyết tâm bảo vệ má con tôi.

Ăn tết xong thì ba lâm trọng bệnh rồi qua đời. Má tôi vừa đau nỗi đau mất chồng, vừa chịu oan khuất bởi những lời ác miệng. Tôi thương má, nhưng chính tôi cũng trở thành “đứa cháu ghẻ” của nội tôi. Sự lạnh lùng, lườm nguýt của cô tôi còn thâm độc hơn trăm ngàn roi đòn giáng vào má. Đêm mà trong gió vẫn còn hơi xuân, má dẫn tôi xuống ghe rồi dong ghe đi biệt. Tôi hỏi má đi đâu? Má cười: “Đất dài sông rộng, chỗ nào sống được thì đi”.

Di ảnh với lư hương của ba để thờ nhà nội. Má lấy tấm ảnh cưới của mình, tấm ảnh có hình ba tôi cười tươi rói, mặc áo sơ mi màu xanh da trời, đem cho người ta họa ra hình ba rồi cột trên vách ghe để thờ. Má đốt nhang cho ba, ăn cơm dọn dư một cái chén để ba về ăn cùng hai má con. 

*
*     *

Tôi lau di ảnh của ba bằng chiếc khăn bông sạch thấm nước. Đi hết con nước đêm qua, má đậu ghe lại ở một con rạch nhỏ mà đầu rạch có mấy cây tra bông vàng nghiêng ngả trổ bông. Ăn tết. Năm nào cũng vậy, tết đến thì neo ghe ăn tết, qua mấy ngày tết thì mới đi. Ngày thường má tôi bán hàng bông, ngày tết thì nghỉ ngơi, ăn tết cho đúng phong tục. Má đi chợ ngã ba sông mua cặp gà về úp sau lái ghe, mần củ kiệu, hũ cải muối chua, nồi thịt kho… Dù vất vả thế nào má tôi cũng chuẩn bị lấy vài món ăn đón tết, cúng ba. 

Có lần, tôi hỏi: “Má thích ăn tết trên sông hay ăn tết trên bờ hả má?”. Má tôi dịu dàng đáp: “Ăn tết ở đâu cũng vui, miễn là có hai ba con bây là má vui”. Còn tôi, tôi thích ăn tết trên bờ hơn. Đi ghe, tôi chẳng có hàng xóm, chẳng có bạn bè. Có khi ghe này, ghe kia đậu cạnh nhau ở một cái chợ sông nào đó, tôi ló đầu ra ô cửa trên vách ghe chào người bạn nhỏ ở chiếc ghe kế bên, kể chuyện tuổi thơ cho nhau nghe. Câu chuyện còn, định ngày mai kể tiếp thì đêm đó chiếc ghe kia đã nổ máy đưa người bạn của tôi đi xa mất rồi. Riết thì tôi chẳng còn tha thiết làm bạn với ai. Lỡ đi lại buồn, lỡ thấy chiếc ghe nào quen quen chạy ngang qua lại lóng ngóng xem có phải người bạn cũ của mình khi ấy hay không. 

*
*     *

Lâu lắm rồi tôi không về thăm quê nội, nơi có ngôi mộ của ba tôi. Buổi chiều hôm đó, tôi thỏ thẻ với má: “Mình về thăm mộ ba, má nghen”. Thoạt đầu má tôi bất ngờ trước ý nghĩ của tôi. Má biết nhà nội vẫn còn ghét má, về làm sao được mà về? Người ta có thương, có cần mình đâu mà về?

“Nhưng ba cần”. Tôi nói vậy. Quyết đoán. Lần đầu tiên tôi sẵn giọng với má. Lần đầu tiên tôi thấy mình chững chạc hơn rất nhiều chứ không phải là hỗn. Má nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu: “Ừ, thì về. Má cũng muốn tự tay nhổ cỏ xanh quanh mộ ba mày. Má nhớ…”. 

Đêm ba mươi, chúng tôi neo ghe gần bến sông nhà ngoại. Bến sông bây giờ trụi lơ, cây gòn cũ chưa lên chín tầng đã bị cưa đổ. Má đậu ghe ở đó, đợi con nước lên, qua thời khắc giao thừa, nhà nội đã ngủ thì má mới ra vườn thăm mộ của ba. 

Má con tôi men theo lối nhỏ ra vườn. Lối đi phủ rợp bóng cây. Ngôi mộ ba tôi được quét vôi, dưới ánh trăng, mộ hiện lên trắng muốt. Tôi với má quỳ xuống trước mộ ba. Má chỉ nói được mấy câu rồi nghẹn đi…

- Chị hai

Má con tôi giật mình, là cô… cô út… giọng nói của cô không lẫn vào đâu được. Quýnh quáng, má con tôi định bỏ đi nhưng cô nắm chặt tay má rồi ôm chầm lấy tôi:

- Về ăn tết đi chị, cho con nhỏ gặp mặt họ hàng. Chị còn đi là còn giận em… 

Mười lăm cái tết trên ghe. Mười lăm năm lang bạt kiếp thương hồ, tôi và má lại được về bên ba, bên gia đình. Tôi nhớ hoài lời má dạy, phải vượt qua nghịch cảnh của thực tại để hướng về phía trước. Như má. Như tôi. Như dòng sông vẫn chảy băng băng, mà sông thì có bao giờ chảy thẳng... Năm nay, má con tôi giã từ tết sông./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết