Tiếng Việt | English

05/08/2017 - 19:57

Giai điệu hào hùng sống cùng năm tháng

Có những bài hát sống mãi theo thời gian mà mỗi khi cất vang, người nghe như sống lại một thời đấu tranh gian lao mà anh dũng. Đó là những ca khúc trong dòng nhạc cách mạng - những giai điệu tự hào, lời nhắc nhở một thời máu và hoa để thế hệ hôm nay, mai sau đời đời ghi nhớ.

Mỗi giai điệu là một trang sử

Năm tháng đi qua nhưng những ca khúc cách mạng vẫn sống trong lòng nhiều thế hệ. Bởi, mỗi ca khúc là một trang lịch sử bằng âm thanh, gắn với từng sự kiện lịch sử của dân tộc. Trong vô vàn mốc son lịch sử, sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công lay động cảm xúc của nhạc sĩ Xuân Oanh.

Để rồi, tác giả viết nên ca khúc “Mười chín tháng Tám”: Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/ Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung!”.

Hàng chục năm trôi qua nhưng từng ca từ như sống lại một thời sục sôi nổi dậy của quân và dân ta, làm nên chiến thắng mùa thu lịch sử. Và từng lời trong ca khúc ấy cũng mang tính giáo dục cao, nhắc nhở thế hệ hôm nay, mai sau: Mười chín tháng Tám/ Chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt Nam.

Những ca khúc truyền thống cách mạng sống mãi cùng thời gian và được nhiều người hát trong các buổi biểu diễn văn nghệ

Tiếp nối thành công của Cách mạng tháng Tám, quân, dân lại vui mừng khi Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng. Những giờ phút hân hoan của sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1954 chạm vào trái tim nhạc sĩ Đỗ Nhuận, làm nên ca khúc để đời “Giải phóng Điện Biên”.

Trong những lần liên hoan ca khúc cách mạng hay trong ngôi nhà của những người lính già, âm vang Điện Biên vẫn vang lên. Tất cả cùng hát, cùng nghe lại bản hùng ca năm nào để nhớ về những ngày chiến thắng, nhớ phút giây nô nức của 9 năm ròng làm nên lịch sử: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa nàу hoa nở, miền Tâу Bắc tưng bừng vui/ Bản mường xưa nương lúa mới trồng/ Kìa đàn em bé giữa đồng nắm taу xòe hoa/ Dọc đường chiến thắng ta tiến về/ Đoàn dân công tiền tuуến, vẫу chào pháo binh vượt qua/ Ѕúng đại bác quấn lá ngụy trang/ Từng đàn bươm bướm trắng giỡn lá ngụy trang/ Xiết bao sướng vui từ ngàу lên Tâу Bắc/ Đồng bào nao nức mong đón ta trở về.

Trải qua những năm đánh Pháp, đuổi Mỹ, hòa bình về trên quê hương. Ngày 30/4/1975 trở thành nguồn cảm hứng bất tận của nhiều nhạc sĩ. Đất nước trọn niềm vui (nhạc sĩ Hoàng Hà), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Bài ca thống nhất (nhạc sĩ Võ Văn Di), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (nhạc sĩ Xuân Hồng), Mùa xuân đầu tiên (nhạc sĩ Văn Cao),... là những khúc khải hoàn ca của ngày đại thắng. Non sông thu về một mối; Bắc, Nam sum họp một nhà - còn niềm vui nào lớn hơn thống nhất đất nước. Những ca từ Biển trời xuân sang/ Bắc Nam sum họp/ Một nhà đông vui/ Huy hoàng... trong Bài ca thống nhất vì thế là lời tự tình vui tươi khi đất nước không còn đau nỗi đau chia cắt.

Khắc họa hình ảnh chiến tranh

Khi nhắc đến dòng nhạc cách mạng, nhiều người đều nghĩ đến âm hưởng bi tráng, hào hùng của một thời đấu tranh gian lao mà anh dũng. Ít ai nghĩ rằng, ca khúc cách mạng còn có những hình ảnh chiến tranh được khắc họa, chạm vào trái tim, “níu hồn” người nghe suốt chiều dài thời gian.

Đó là con đường Trường Sơn huyền thoại, đi vào dòng nhạc cách mạng khá nhiều: Đường Trường Sơn xe anh qua (nhạc sĩ Văn Dung), Cô gái mở đường (nhạc sĩ Xuân Giao), Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (nhạc sĩ Hoàng Hiệp), Chiếc gậy Trường Sơn (nhạc sĩ Phạm Tuyên),...

Trên tuyến đường huyết mạch ấy, biết bao xương máu đã đổ xuống để chiến công nối tiếp chiến công. Hình ảnh con đường huyền thoại năm xưa vẫn sống mãi mà những ca từ trong bài Đường Trường Sơn xe anh qua ghi lại: Trường Ѕơn ơi núi cao mấу tầng. Đường em ghi chiến công lẫу lừng, tràn niềm tin trong muôn gian lao, đường tiền phương xe anh thẳng tới... Đường mang bao nghĩa tình. Đường Nam Bắc уêu thương, đường Trường Ѕơn saу chiến đấu, khi miền Nam... sáng trong lòng anh”.

Hình ảnh chiến tranh trong dòng nhạc cách mạng còn là những thương binh, liệt sĩ. Những thương binh trở về sau cuộc chiến với thân hình không lành lặn nhưng vẫn hàn gắn đau thương, dựng xây quê hương và giáo dục truyền thống.

Và, khi nghe những giai điệu mà nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác: Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng. Vẫn ôm đàn dạу các em thơ bài hát quê hương, trái tim người nghe như lắng đọng. Mang theo vết thương chiến tranh trở lại cuộc sống đời thường, những người từng tham gia cuộc chiến chỉ mong muốn thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống ông, cha.

Vì thế, những ca từ Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò. Bài hát có người lính đã hу sinh rất âm thầm. Ϲho hôm naу những gót chân son, vui quanh vết chân tròn... vừa là lời dạy, vừa là lời nhắc nhở về những ngày chiến đấu để thế hệ hôm nay được vui thanh bình.

Cũng có những người con ưu tú mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ! Chẳng tiếc tuổi thanh xuân Có người lính. Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ra đi, ai chẳng mong ngày hòa bình, được trở về bên mẹ. Nhưng, chiến tranh khốc liệt, sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ.

Vì thế “Có người lính/ Mùa xuân ấy ra đi từ đấy không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che”. Tiễn các anh đi, ngày qua ngày, những người mẹ cứ ngóng trông về “Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo/ Việt Nam ơi! Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”.

Nhưng có lẽ, sự trông ngóng ấy là vô vọng khi các anh không còn về bên mẹ như mong ước. Để rồi, chiều chiều, nhìn về phía trời xa, nhìn về “Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn”, lòng người mẹ vừa thương, vừa nhớ nhưng cũng tự hào vì con đã làm tròn bổn phận với quê hương. Bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến làm biết bao người nghe rơi nước mắt khi nghĩ đến hình ảnh người lính và mẹ già như thế!

Mấy mươi năm trôi qua, giữa nhiều dòng nhạc mới, hiện đại, dòng nhạc cách mạng truyền thống với những ca khúc mang âm hưởng bi hùng vẫn sống cùng thời gian. Có thể nói, dấu ấn một giai đoạn lịch sử được ghi lại bằng một loại hình nghệ thuật với ca từ tinh tế, hình ảnh chân thật và âm hưởng hào hùng. Mỗi ca khúc truyền thống cách mạng là một bản anh hùng ca, một trang lịch sử sống động bằng âm thanh./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết