Tiếng Việt | English

28/02/2017 - 20:23

Giai đoạn 2016-2020: Long An bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, biên giới cho 24.071 hộ

Chiều ngày 28/02, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức Hội nghị “Công bố quy hoạch bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, biên giới Việt Nam - Campuchia tỉnh Long An, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng chủ trì hội nghị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng (thứ 3, phải qua) trao quy hoạch cho các huyện

Mục tiêu dự án quy hoạch nhằm xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, nhằm phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ngành nghề - dịch vụ tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố, không còn nhà tạm, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh quy hoạch bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, biên giới Việt Nam - Campuchia cho 24.071 hộ dân thuộc các đối tượng phù hợp quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg.

Các đối tượng gồm: Các hộ sống ở vùng nguy cơ lở đất bờ sông, bờ kênh; vùng thường xuyên ngập lũ ảnh hưởng nặng; vùng nguy cơ xâm nhập mặn, nước biển dâng; bố trí ổn định các hộ vùng biên giới; bố trí cho hộ di cư tự do (Việt kiều).

Quy hoạch thực tại 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Bến Lức) với tổng nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch hơn 2.122 tỉ đồng; trong đó, giai đoạn 2016-2020 kinh phí hơn 808 tỉ đồng.

Các giải pháp chủ yếu: Thực hiện cơ chế, chính sách; tạo quỹ đất bố trí ổn định dân cư các nhóm dự án; đưa các đối tượng dân cư vào các cụm, tuyến dân cư đã xây dựng còn nền chưa bố trí và các tuyến dân cư xây dựng mới; thực hiện giảm thiểu tác động của môi trường.

Theo ông Lê Văn Hoàng: “Quy hoạch để bố trí ổn định dân cư, bảo đảm ổn định chỗ ở và đời sống lâu dài cho các hộ dân có nguy cơ cao về thiên tai, tránh thiệt hại, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời góp phần quan trọng trong tổng thể KT-XH của địa phương trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng biên giới và bảo vệ môi trường sinh thái”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết