Tiếng Việt | English

05/06/2017 - 15:25

Giải pháp cho vùng tôm Tân Chánh - Bài 1: Nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả cao

Cách đây hơn 20 năm, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An thành công trong nuôi tôm sú nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, việc nuôi tôm gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2017, nông dân Tân Chánh bỏ hoang trên 100ha diện tích nuôi tôm.


Mô hình nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả cao tại ấp Đông Trung

Nhiều bất lợi

Anh Út Long - người dân ấp Ba Nghĩa, xã Tân Chánh, cho biết: "Khu vực này có khoảng 50% số hộ không còn "mặn mà" với con tôm như trước, nguyên nhân do nước không đủ độ mặn (độ mặn chỉ có 2-3gr/lít); mặt khác, kênh, rạch, đường sá nhỏ hẹp nên việc đầu tư nạo vét ao nuôi, vận chuyển gặp nhiều khó khăn".

Do dịch bệnh đốm trắng và đặc biệt là nguồn nước bị ô nhiễm gây khó khăn trong việc nuôi tôm. Ông Dương Ngọc Hùng - cán bộ Khuyến nông xã Tân Chánh, thông tin: "Hộ bà Dương Thị Chơn, ấp Đông Nhì mới thả tôm diện tích 7.000m2 được hơn 1 tháng thì tôm chết. Hiện nay, ao bỏ không. Ngoài ra, có khá nhiều hộ không đủ vốn để tiếp tục đầu tư".


Khu ao của bà Dương Thị Chơn, ấp Đông Nhì, nuôi tôm hình thức quảng canh bị thất bại

Cũng theo ông Hùng, người nuôi gặp nhiều khó khăn do nguồn nước không bảo đảm, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn giống trôi nổi ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng tôm. Còn chị Nguyễn Thị Mười - Đại lý tôm giống Bảy Thành, xã Tân Ân, chia sẻ: "Việc nuôi tôm thành, bại do rất nhiều yếu tố nhưng đáng lo nhất hiện nay là việc bán thuốc sát trùng, thuốc bảo vệ thủy sản tràn lan, không ai kiểm soát. Nông dân gặp thuốc giả chỉ biết... kêu trời!".

Nuôi tôm công nghiệp

Không phải ai cũng đầu hàng trước khó khăn, bất lợi, điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Thanh Dũng. Anh từng làm kế toán cho một Cty ở TP.HCM, sau một thời gian, anh trở về ấp Ba Nghĩa, xã Tân Chánh đầu tư dàn quạt, máy bơm oxy nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Năm nay là năm thứ 3, anh Dũng “đồng hành” cùng con tôm thẻ. Ngoài việc nuôi tôm thẻ trên diện tích gần 8.000m2, anh còn thử nghiệm nuôi cua thịt tầng đáy nhằm hạn chế ô nhiễm từ thức ăn thừa của tôm. Diện tích thử nghiệm nuôi cua bước đầu cho thấy khả quan.


Ao nuôi tôm bị bỏ hoang tại ấp Đông Nhì

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Chánh - Nguyễn Văn Sánh (cũng là người nuôi tôm thành công) cho biết: "Hiện nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã tập trung nhiều ở ấp Hòa Quới. Ngoài ra, ở các ấp: Đông Nhì, Đông Trung và Ba Nghĩa, người nuôi cũng bắt đầu chuyển hướng sang nuôi tôm công nghiệp".

Ông Trần Văn Mỹ - nông dân sản xuất giỏi ấp Đông Nhì, chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi dành 0,3ha nuôi tôm. Quan trọng nhất trong nuôi tôm là phải làm tốt khâu vệ sinh ao trước khi nuôi, đặc biệt phải có ao lắng để xử lý nước, phòng, chống dịch bệnh. Tôi chọn mua tôm giống CPI tại Bình Thuận".

Ông Mỹ đầu tư bình điện hạ thế phục vụ nuôi tôm: Chạy quạt, máy bơm oxy. Ông còn nuôi vèo cá rô phi giữa ao để làm sạch nước. Cùng với ông Mỹ, ông Nguyễn Văn Dũng, ấp Đông Trung cũng nuôi 0,3ha tôm thẻ. Năm 2016, ông thu hoạch 2,3 tấn, bán với giá 120.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các hộ: Tèo Đô nuôi hơn 1ha, thu hoạch 9 tấn tôm, lợi nhuận gần 1 tỉ đồng/năm hay hộ ông Tâm, ông Châu, ông Tiến, ông Thức, ông Tự,... đều nuôi tôm hướng công nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Toàn xã Tân Chánh có 830/990ha nuôi tôm, trong số đó, gần 200ha được đầu tư nuôi công nghiệp. Có trên 100ha bỏ hoang ở nhiều mức độ, trong đó có những hộ nuôi quảng canh, bán công nghiệp, nuôi cá,... và có hộ bỏ hoang toàn bộ./.

(còn tiếp)
Hải Đăng

Bài 2: Xây dựng vùng chuyên canh tôm ứng dụng công nghệ cao

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích