Tiếng Việt | English

25/07/2018 - 16:21

Giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp người lao động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp chính quyền và công đoàn cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc kiểm điểm phối hợp công tác và bàn thảo những trọng tâm phối hợp trong thời gian tới giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác với Chính phủ, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Tổng Liên đoàn đã có 75 văn bản tham gia ý kiến với các bộ, ngành, cơ quan, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động. Các cấp Công đoàn cũng đã làm tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; kịp thời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. 

Sau gần một năm triển khai thực hiện Quyết định số 655 của Thủ tướng phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động đã phối hợp với 20 địa phương xác định được địa điểm đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của tổ chức công đoàn. Đặc biệt, trong năm 2017 và sáu tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, đối thoại với gần 2.000 công nhân, lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và gần 1.000 công nhân, lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với công nhân, lao động tại tỉnh Đồng Nai sau một năm Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động các tỉnh trọng điểm phía Nam. 

Phát biểu tại buổi làm việc, điểm lại những nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước những tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những kết quả đó thể hiện sự nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như những người làm công tác công đoàn, với tinh thần vượt khó, bằng sự cần cù, sáng tạo, miệt mài lao động, sản xuất trong nhà máy, công trường. 

Hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp cũng đã góp phần giúp tinh thần của đoàn viên, người lao động phấn khởi, đồng tình, ủng hộ sự đổi mới, quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, phòng chống tham nhũng. 

Về công tác phối hợp giữa hai cơ quan, Thủ tướng đánh giá Tổng Liên đoàn đã tích cực tham gia xây dựng thể chế; phản biện xã hội các chính sách; kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn liên quan đến công nhân lao động. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến những tồn tại cần khắc phục như một bộ phận người lao động thu nhập còn thấp, còn tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, thiết chế công đoàn mới bước đầu được thực hiện, dẫn đến khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, trường học... cho công nhân. 

Tình hình doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động khiến nhiều người lao động thiếu việc làm. Tình trạng nợ lương vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương. Đáng chú ý, tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về người và tài sản (gần 9.000 vụ tai nạn lao động làm khoảng 9.000 người bị nạn, trong đó có 928 người chết). 

Về vấn đề quy định mới về cách tính lương hưu cho người về hưu từ ngày 1/1/2018 phát sinh tâm lý bất an với lao động nữ; lao động nữ trên 35 tuổi tại một số doanh nghiệp FDI có việc làm không ổn định, Thủ tướng nêu quan điểm: “Phải bảo đảm quyền lợi bình đẳng giới chứ không phải nam giới về hưu thì tốt còn nữ thì không tốt.” 

Thủ tướng cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ có Nghị định về vấn đề này. 

Về công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt Đại hội Công đoàn các cấp cả nội dung, hình thức và nhân sự. 

Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các thiết chế công đoàn, trước hết là nhà ở cho công nhân. Công đoàn các cấp cần tiếp tục tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, xã hội. 

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt, các cấp chính quyền và công đoàn cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động. 

Cho ý kiến về một số đề xuất của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có biện pháp bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động khi doanh nghiệp phá sản, nâng cao năng lực thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước để tránh tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn. 

Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu việc đảm bảo quyền lợi để công nhân được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ. 

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm tra kiểm soát việc thực hiện giá bán điện cho công nhân theo đúng Thông tư 16 của Bộ Công Thương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thường xuyên kiểm tra kiểm soát. 

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải tạo điều kiện đất đai xây dựng nhà ở cho công nhân, coi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề quan trọng mà các cấp, các ngành phải quan tâm giải quyết./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết