Tiếng Việt | English

17/09/2019 - 11:27

Giải quyết chợ tự phát cần sự quyết tâm cao

Hiện nay, tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm chỗ kinh doanh, mua bán ngày càng diễn ra phổ biến. Mặc dù địa phương, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp chợ tự phát nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan đô thị, môi trường xung quanh và an ninh, trật tự.

Khu vực Đường tỉnh 825 xuất hiện nhiều chỗ chấn chiếm lòng, lề đường, tụ tập buôn bán gây cản trở việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn

Khu vực Đường tỉnh 825 xuất hiện nhiều chỗ chấn chiếm lòng, lề đường, tụ tập buôn bán gây cản trở việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn

Mất an toàn giao thông đường bộ

Phần lớn chợ tự phát tụ họp ven đường, gần khu, cụm công nghiệp, nơi đông dân cư sinh sống. Là một trong những địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xuất hiện khá nhiều chợ tự phát nằm rải rác ở các xã, thị trấn. Chỉ cần một tấm bạt nhựa hoặc một chiếc bao trải xuống vỉa hè, lòng đường là người dân có thể bày hàng hóa ra buôn bán. Hàng hóa ở các chợ tự phát cũng khá phong phú, đa dạng, từ rau, củ, quả, cá, thịt đến chén, dĩa, giày, dép, quần áo,...

Khu vực Đường tỉnh 825 (đoạn đường hơn 1km) thuộc địa phận 2 xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ xuất hiện ngày càng nhiều chỗ lấn chiếm lòng, lề đường, tụ tập buôn bán gây cản trở việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Bà Huỳnh Thị Ánh Ngọc - nhân viên một công ty trong Khu công nghiệp Hạnh Phúc, bức xúc: “Nhà tôi ở quận 8, TP.HCM, nhiều năm qua, mỗi ngày đến công ty, tôi mất ít nhất 1 tiếng đồng hồ để di chuyển qua khu vực chợ tự phát nằm trên Đường tỉnh 825. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với lãnh đạo huyện, tỉnh, chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện triệt để”.

Không chỉ ở huyện Đức Hòa, tại nhiều tuyến đường trong tỉnh, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán ngày càng diễn ra phức tạp, làm tăng nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Nhiều năm nay, chợ Bắc Đông, ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa luôn là “điểm đen” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Nằm cạnh quốc lộ 62, cứ vào sáng sớm hoặc chiều thì chợ lại tấp nập kẻ bán, người mua. Anh Nguyễn Thanh Hùng, thường trú ở phường 7, TP.Tân An, làm việc tại huyện Thạnh Hóa, thổ lộ: “Hàng ngày, tôi có 2 lượt đi ngang qua đoạn chợ Bắc Đông trong giờ cao điểm và thường xuyên bị kẹt xe kéo dài. Quốc lộ 62 tại khu vực chợ khá nhỏ, hẹp, người bán, người mua thường đậu xe tràn xuống lòng đường gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông”.

Bài toán nan giải

Theo anh Phạm Minh Tân - công an huyện Đức Hòa, trên địa bàn hiện có nhiều điểm bán tự phát, một phần vì là nơi tập trung khá nhiều khu, cụm công nghiệp nên thu hút đông đảo người dân nhập cư. Lực lượng Công an huyện thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, công an xã điều tiết, phân luồng giao thông ở các điểm chợ tự phát. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ nhất, vì nếu có lực lượng chức năng thì tiểu thương buôn bán trật tự, vừa quay lưng đi thì tiểu thương lại tràn ra như cũ.

Ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa có Khu công nghiệp Hạnh Phúc và dự án Khu công nghiệp Hải Sơn với khoảng 6.000 công nhân nhập cư, tạm trú tại hơn 300 nhà trọ trên địa bàn. Phó Trưởng ấp 5, xã Đức Hòa Đông - Trần Văn Sanh thông tin: “Trên địa bàn ấp hiện có 2 điểm buôn bán tự phát. Để hạn chế tình trạng kẹt xe, lấn chiếm lòng, lề đường, địa phương nhiều lần ra quân sắp xếp lại chợ, bố trí chốt chặn, điều tiết giao thông 2 ca trong ngày (từ 6-8 giờ sáng và 15-18 giờ chiều). Tuy nhiên, do lực lượng thực hiện nhiệm vụ an ninh, trật tự còn thiếu nên ngày nào không bố trí được người trực thì tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường vẫn tiếp tục diễn ra”.

Theo Trưởng ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thanh Hồng, để lập lại trật tự chợ Bắc Đông, thời gian qua, ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hộ dân; UBND xã yêu cầu các hộ buôn bán tại chợ viết cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường; tháo dỡ các bảng hiệu, kiốt, mái che,... đặt không đúng quy định, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè, tránh tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn. So với những năm trước, tình trạng tiểu thương lấn chiếm để buôn bán giảm rất nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Theo nhận định của ngành chức năng, chính vì thói quen thích “nhanh, gọn” của nhiều người tiêu dùng mà các chợ tự phát hình thành rồi khó dẹp bỏ. Người dân đi chợ thường chọn những sạp bán gần đường để tiện mua nên nhiều tiểu thương buôn bán ở nhà lồng chợ bị ế ẩm, buộc họ phải dời ra cạnh vỉa hè để bán. Vì vậy, để giảm tình trạng kẹt xe, lấn chiếm lòng, lề đường, bên cạnh tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý chợ tự phát, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, ra quân vận động, tuyên truyền giúp người dân dần thay đổi thói quen với nếp sinh hoạt mua bán hàng ngày nhằm lập lại trật tự giao thông, trả lại hành lang an toàn đường bộ. Đồng thời, các cấp, các ngành cần chú trọng thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt gắn với việc quy hoạch điểm kinh doanh, buôn bán hợp lý./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết