Tiếng Việt | English

17/11/2017 - 09:35

Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân

Ngày 10/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân (CN) vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020”. Qua đây, nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục, góp phần tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản đáp ứng yêu cầu trường, lớp mầm non (MN) và phổ thông ở các địa phương phát triển khu, cụm công nghiệp (K,CCN). Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thị Huệ dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

PV: Xin bà cho biết, thực trạng trường, lớp cho con em CN ở các địa phương phát triển K,CCN hiện nay?

Bà Huỳnh Thị Huệ: Hiện nay, toàn tỉnh có 33/64 K,CCN đi vào hoạt động. Tổng số CN nữ ở các K,CCN gần 50.000 người; trong đó, lao động nữ làm theo giờ hành chính trên 40.000 người và làm theo ca gần 10.000 người.

Xây dựng trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con và tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc (Trong ảnh: Nhóm trẻ Trường Mầm non Tuổi Thơ, Khu lưu trú công nhân Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc)

Hiện nay, tình trạng di dân đến một số huyện có K,CCN: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc ngày càng đông, gây áp lực cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em CN. Hệ thống mạng lưới giáo dục MN hiện thiếu 70 phòng học cho trẻ 0-2 tuổi và 170 phòng cho trẻ 3-5 tuổi nên các cơ sở dạy học công lập chưa đáp ứng yêu cầu nhận trẻ trong giờ hành chính. Do đó, việc gửi con của nữ CN, lao động hiện gặp nhiều khó khăn.

Đối với giáo dục phổ thông: Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 8.308 học sinh (HS) tiểu học (TH) và 1.437 HS THCS từ nơi khác đến, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, cụ thể: Đức Hòa 4.000 HS TH, 605 HS THCS; Bến Lức 2.135 HS TH, 540 HS THCS; Cần Giuộc 259 HS TH, 267 HS THCS, Cần Đước 1.000 HS TH. Điều này, dẫn đến sĩ số HS/lớp học nhiều hơn so với quy định, từ đó, chất lượng giáo dục ở những nơi có K,CCN ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

PV: Tính cấp thiết phải xây dựng và mở rộng trường, lớp MN và phổ thông tại các địa phương có K,CCN như thế nào, thưa bà?

Bà Huỳnh Thị Huệ: Việc triển khai, xây dựng trường, lớp cho con em CN vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục MN và phổ thông, đáp ứng nhu cầu gửi con và tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác tại các địa phương có K,CCN: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc. Đồng thời, củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bảo đảm đến năm 2020, các huyện, thị xã, thành phố có K,CCN đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, đặc biệt là con của CN,...

PV: Bà có thể cho biết lộ trình triển khai, xây dựng trường, lớp cho con em CN được tiến hành như thế nào?

Bà Huỳnh Thị Huệ: Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp ở các K,CCN cho con em CN vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020” được triển khai, thực hiện với tổng kinh phí đầu tư trên 403,1 tỉ đồng, trong đó, nguồn kinh phí vận động xã hội hóa 179,4 tỉ đồng, ngân sách nhà nước đầu tư 223,7 tỉ đồng.

Đối với nguồn vận động xã hội hóa, tỉnh đầu xây dựng 19 trường MN; nhóm, lớp mẫu giáo độc lập; nhóm trẻ tư thục trên địa bàn 4 huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh có K,CCN: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa. Tỉnh phân kỳ đầu tư cụ thể: Năm 2018, tổng kinh phí xây dựng 117,8 tỉ đồng; năm 2019, 46,2 tỉ đồng và năm 2020, 15,4 tỉ đồng.

Từ ngân sách nhà nước, tỉnh đầu tư xây dựng 34 công trình với 410 phòng học (MN 107 phòng, TH 251 phòng và THCS 52 phòng). Trong đó, năm 2018, xây mới 66 phòng học với diện tích 4.540m2, kinh phí 31,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và xây mới 344 phòng học với diện tích 27.447m2, kinh phí dự kiến 191,9 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 157,3 tỉ đồng; ngân sách tỉnh 34,5 tỉ đồng).

PV: Là cơ quan thường trực tổ chức, thực hiện đề án, theo bà, đâu là nhiệm vụ cấp bách hiện nay?

Bà Huỳnh Thị Huệ: Để góp phần triển khai, thực hiện đúng tiến độ đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai, thực hiện đề án đạt hiệu quả cao.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh - Trương Văn Nọ thăm trẻ Trường Mầm non tư thục Đông Nhi (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa)

Đồng thời, sở phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ vốn cho đề án theo đúng lộ trình được phê duyệt; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên mầm non và người quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục; tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch với những giải pháp thực hiện hàng năm và tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh,...

PV: Xin cảm ơn bà! 

Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp ở các khu, cụm công nghiệp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020” được triển khai, thực hiện với tổng kinh phí đầu tư trên 403,1 tỉ đồng, trong đó, nguồn kinh phí vận động xã hội hóa 179,4 tỉ đồng, ngân sách nhà nước đầu tư 223,7 tỉ đồng. 

Hữu Bằng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết