Tiếng Việt | English

21/10/2019 - 19:15

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Bằng nguồn vốn ưu đãi của phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân

Chị Hương (đứng) hướng dẫn công nhân làm việc

Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Hương, ngụ ấp Thanh An, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh cùng chồng làm công nhân may mặc tại tỉnh Bình Dương. Với đồng lương công nhân ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng chị quyết định về quê lập nghiệp.

Ban đầu, vợ chồng chị Hương chỉ nhận may đồ cho những người xung quanh. Sau đó, nhận thấy các công ty, doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương có nhu cầu đặt hàng may gia công, chị mạnh dạn thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vay vốn chương trình giải quyết việc làm của phòng Giao dịch NHCSXH huyện 20 triệu đồng đầu tư máy móc. Tại đây, vợ chồng chị giải quyết việc làm cho 3 lao động nông thôn, với thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày.

Năm 2016, chị Hương tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư 10 máy may hiện đại. Tuy nhiên, lúc đó, điều chị Hương lo lắng nhất là căn nhà của gia đình xuống cấp làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Chị Hương tâm sự: "Đang loay hoay tìm nguồn vốn sửa chữa nhà thì được phòng Giao dịch NHCSXH huyện nâng mức cho vay lên 50 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi có thể sửa nhà để bảo đảm hoạt động của cơ sở may được ổn định. Đến nay, cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên trên 20 lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là người nghèo trong và ngoài xã, thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng. Riêng gia đình tôi trừ chi phí có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng”.

Chị Kiều có thu nhập ổn định sau khi vào làm việc tại cơ sở may gia công của chị Hương

Trước đây, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Kiều, ngụ xã Hậu Thạnh Đông rất vất vả, không nghề nghiệp ổn định, kinh tế gia đình dựa vào số tiền làm thuê “bữa có, bữa không” của chồng. Cách đây 3 năm, chị được cơ sở may gia công của gia đình chị Hương nhận vào làm việc. Tại đây, chị vừa được dạy nghề miễn phí vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Chị Kiều trải lòng: “Làm việc ở đây không áp lực, công việc ổn định, nhất là gần nhà. Nhờ có công việc này, gia đình tôi đã thoát nghèo, đồng thời có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn”.

Cũng nhờ nguồn vốn của phòng Giao dịch NHCSXH huyện, chất lượng cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thanh Tuyền, ngụ ấp 1, xã Tân Ninh được nâng lên. Chị Tuyền cho biết: “Những năm gần đây, nông dân trồng lúa rất vất vả, rủi ro cao vì sâu bệnh, thiên tai, giá cả không ổn định. Do đó, năm 2016 gia đình tôi quyết định vay vốn phòng Giao dịch NHCSXH huyện 50 triệu đồng chuyển sang nuôi 50.000 con ếch kết hợp nuôi cá rô và cá tra. Vụ đầu tiên, trừ chi phí, tôi có lãi trên 30 triệu đồng. Chỉ sau 1 năm, tôi đã hoàn trả vốn cho phòng Giao dịch NHCSXH”.

Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình chị Tuyền chủ yếu là làm ruộng. Cuộc sống tuy ổn định nhưng không có dư. Từ khi chuyển sang nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô và cá tra, kinh tế gia đình chị càng ngày càng khấm khá. Được biết, ếch nuôi khoảng 2 tháng là có thể bán, hiện nay, giá ếch dao động từ 25 - 30 ngàn đồng/kg. Với 50.000 con ếch, bình quân 2 tháng gia đình chị Tuyền có thu nhập 25 - 30 triệu đồng, lợi nhuận nhiều hơn so với trồng 1ha lúa/vụ.

Như vậy, bằng đồng vốn chương trình giải quyết việc làm của phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Thạnh đã góp phần giúp nhiều người ở địa phương có việc làm ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết