Tiếng Việt | English

02/04/2019 - 16:43

Giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ

Những năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên (TN) là bộ đội xuất ngũ được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để các anh có việc làm ổn định.

Thanh niên xuất ngũ được quan tâm đào tạo nghề

Thanh niên xuất ngũ được quan tâm đào tạo nghề

Ưu tiên Thanh niên xuất ngũ

Theo quy định của Chính phủ, TN hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS), nghĩa vụ công an (NVCA),... thì được hỗ trợ, đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau: Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành NVQS, NVCA; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển KT-XH; chưa được hỗ trợ, đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành NVQS, NVCA,...

Thực hiện Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành thống nhất mức hỗ trợ chi phí đào tạo để triển khai thực hiện. Sở ban hành các văn bản hướng dẫn: Công văn số 1532/ SLĐTBXH, ngày 31/7/2017 hướng dẫn lập hồ sơ dự toán và quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho TN hoàn thành NVQS, NVCA, TN tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển KT-XH; Công văn số 1393/SLĐTBXH, ngày 19/7/2018 về việc tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề cho TN hoàn thành nghĩa vụ. Dự toán kinh phí năm 2019, đào tạo nghề sơ cấp theo thẻ cho TN hoàn thành nghĩa vụ trên 20 tỉ đồng.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An - Phạm Thị Trinh, hiện nay, trường đào tạo 8 ngành nghề trung cấp với thời gian 2 năm và 10 ngành nghề sơ cấp với thời gian 3 tháng. Trung bình mỗi năm, trường tuyển sinh từ 250-290 học sinh, trong đó có khoảng 100 học sinh là bộ đội xuất ngũ và gần như hầu hết những học sinh này đều chọn chương trình đào tạo lái xe sơ cấp lấy bằng B2 và bằng C để học. Đối với những học sinh này, ngoài việc hỗ trợ học phí 100%, nhà trường còn hỗ trợ thêm chi phí ăn uống, đi lại với số tiền 30.000 đồng/ngày. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp cho học sinh. Hàng năm, trường đều phối hợp các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh tổ chức ngày hội việc làm, tạo điều kiện cho học sinh có được việc làm ổn định ngay sau khi ra trường.

Chuyên viên phụ trách đào tạo lái xe, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An - Phạm Thanh Tùng cho biết: “Hàng năm, số lượng học sinh là bộ đội xuất ngũ vào học lái xe tại trường khá lớn. Do tất cả đều được đào tạo qua môi trường quân đội nên tinh thần và thái độ học tập của những học sinh này rất tốt, luôn đi học đầy đủ, đúng giờ và chấp hành nghiêm những quy định của nhà trường. Được biết, hầu hết những học sinh này đều vừa làm, vừa học và mỗi người lại có một lý do riêng khi chọn học nghề lái xe. Mục tiêu đào tạo của nhà trường là bảo đảm sau khi hoàn thành khóa học, học sinh có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày và tạo thu nhập cho bản thân”.

Chọn nghề phù hợp

Đối với lực lượng TN tham gia NVQS trước đây, khi xuất ngũ, họ thường chọn làm các công việc nghề nông hoặc trong các cơ quan, xí nghiệp. Nhưng với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, họ hoàn toàn có thể chọn học nghề để có những cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt nuôi sống bản thân và gia đình. Huỳnh Khánh Băng (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết: “Sau khi hoàn thành NVQS (cuối năm 2018), hiện tôi chưa biết nên chọn học ngành nghề nào. Tôi đang phân vân giữa 2 ngành nghề là cơ khí và đào tạo lái xe. Thời gian tới, tôi sẽ đến các trường trên địa bàn tỉnh nghe tư vấn để có thể chọn ngành nghề phù hợp và có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp”.

Còn Nguyễn Hoàng Kim (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) - học sinh lớp lái xe ôtô có trọng tải dưới 3,5 tấn và ôtô dưới 9 chỗ ngồi (hạng B2), khóa ngắn hạn tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An, chia sẻ: “Sau khi xuất ngũ (năm 2018), được cấp thẻ học nghề sơ cấp, nhưng lúc đó, tôi chưa xác định được bản thân thích học nghề gì nên chưa đăng ký học. Được trường tư vấn, tôi quyết định học lái xe sơ cấp (hạng B2) với mong muốn sau này tốt nghiệp có việc làm ổn định. Hiện tôi học được hơn 2 tháng, đang chuẩn bị thi sát hạch để tốt nghiệp. Tôi tự tin mình có thể vượt qua kỳ thi sắp tới một cách dễ dàng”.

Đào tạo lái xe cho thanh niên xuất ngũ

Đào tạo lái xe cho thanh niên xuất ngũ

Cũng là bộ đội xuất ngũ đang theo học lái xe tải có trọng tải trên 3,5 tấn, ôtô dưới 9 chỗ ngồi (hạng C), anh Nguyễn Văn Hồng Thắng (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) cho biết, sau khi xuất ngũ vào tháng 02/2018, anh được cấp thẻ học nghề sơ cấp. Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, anh quyết định chọn học lái xe tải (hạng C). Anh Thắng chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa, đi lại của mọi người ngày càng gia tăng, nhưng nhiều người vẫn không biết điều khiển phương tiện giao thông, phải phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, thông qua báo, đài, tôi thấy nhu cầu về tài xế là rất cao nên quyết định chọn theo học lái xe tải sơ cấp (hạng C) để có thể tìm được cho mình một việc làm ổn định. Ngoài ra, sau này, nếu có điều kiện thì tôi sẽ học nâng bằng. Bởi, tôi nghĩ, khi biết sử dụng càng nhiều loại phương tiện thì phạm vi việc làm của mình càng rộng, cơ hội việc làm cũng sẽ cao hơn”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích