Tiếng Việt | English

31/03/2016 - 10:58

Giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn các tuyến đường bộ

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Long An - Đặng Hoàng Tuấn, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Giám đốc Sở GTVT, lực lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tuần tra và xử lý vi phạm, quyết tâm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các tuyến trọng yếu có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Công an xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa giải tỏa biển quảng cáo vi phạm lộ giới

Sở GTVT ban hành Quy chế phối hợp để xử lý các hành vi như: Lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), xây dựng nhà ở, lều quán, công trình kiên cố, đào, san lấp mặt bằng, đấu nối trái phép,... Đồng thời, xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ như: Phá hoại đường, cầu, đèn tín hiệu, biển báo, cọc tiêu, cột km, dải phân cách, hệ thống thoát nước, đào khoan, xẻ đường trái phép, để các chướng ngại vật trên đường gây nguy hiểm, xe bánh xích, xe quá khổ quá tải lưu thông không có giấy phép, lấn chiếm lòng lề đường.

Để đưa hoạt động GTVT và trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) vào nền nếp rất cần có sự phân cấp, phân nhiệm và phối hợp đồng bộ trong việc tuần tra phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm. Việc tuyên truyền nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đòi hỏi sự phối hợp của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

Đến nay, trên một số tuyến đường trọng yếu như Đường tỉnh 830, 825, tuyến Quốc lộ 1, 62, N2,... việc tái lấn chiếm vỉa hè, HLATĐB, thậm chí cả lòng lề đường để buôn bán, đặt vật liệu, xây dựng nhà tạm, lều quán diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt, ven các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất xuất hiện chợ tự phát buôn bán hết sức náo nhiệt gây mất mỹ quan và cản trở giao thông.

Theo Quy chế phối hợp, đơn vị quản lý đường bộ (trong đó có lực lượng tuần đường) sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện hành vi lấn chiếm và sử dụng trái phép HLATĐB. Khi phát hiện vi phạm phải yêu cầu đình chỉ hành vi vi phạm và thông báo ngay cho UBND cấp xã hoặc thanh tra GTVT để phối hợp xử lý; phối hợp thanh tra GTVT, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATĐB; cung cấp nhân lực, xe máy phục vụ giải tỏa.

Lực lượng thanh tra GTVT chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và lập biên bản khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan quản lý đường bộ, tổ chức, cá nhân phản ánh; phối hợp cơ quan quản lý đường bộ hoàn thiện hồ sơ vi phạm HLATĐB gửi UBND cấp huyện đề nghị cưỡng chế giải tỏa. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thanh tra GTVT sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở GTVT chủ trì xây dựng phương án cắm mốc xác định HLATĐB trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố, công khai phạm vi HLATĐB được cắm mốc lộ giới.

Tại địa phương, các Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Quản lý Đô thị tham mưu UBND cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi có biên bản do thanh tra GTVT, cán bộ phòng và UBND các xã lập; giải tỏa các công trình vi phạm, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch được duyệt. Đặc biệt, UBND cấp xã phải trực tiếp và phối hợp đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra GTVT xử lý kịp thời hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép HLATĐB, bảo vệ an toàn kết cấu hạ tầng đường bộ.

Theo UBND xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - nơi có điểm nóng lấn chiếm HLATĐB Đường tỉnh 825, do địa bàn giáp ranh TP.HCM, lại có nhiều khu, cụm công nghiệp nên lượng người buôn bán từ các tỉnh khác về rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì họ tản ra, khi lực lượng rời khỏi thì họ tiếp tục trở lại buôn bán. Lực lượng làm nhiệm vụ của UBND xã mỏng nên không đối phó kịp.

Chánh Thanh tra GTVT - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: Năm 2016, thanh tra GTVT phối hợp chặt chẽ các cơ quan, ban, ngành và UBND các địa phương giải tỏa quyết liệt các khu vực gây bức xúc về TTATGT, lấn chiếm HLATĐB gây cản trở giao thông và nguy cơ gián tiếp gây tai nạn giao thông. Đặc biệt, Thanh tra GTVT phân công, phân nhiệm cụ thể từng cán bộ, thanh tra viên phụ trách từng tuyến đường, qua đó kịp thời theo dõi, phát hiện những vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp".

Với sự quyết tâm cao của cơ quan chức năng, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhất là ý thức của chính người dân, việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung sẽ dần đi vào nền nếp, sử dụng có hiệu quả hạ tầng giao thông vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống nhân dân ngày càng phát triển phù hợp với các quy định của pháp luật./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết